Từng là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ngoài Hồ Bắc, Chiết Giang, trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc, đã áp “vòng kiềm tỏa” với khoảng 30 triệu người. Tỉnh này không ghi nhận ca nhiễm mới trong 9 ngày cho đến khi, Wang, nữ phục vụ bàn 31 tuổi làm việc tại thành phố Bergamo, bắc Italy, trở về nhà ở huyện Thanh Điền, phía tây thành phố Ôn Châu.
Cô bị ho, đau đầu và tiêu chảy khoảng một tuần trước chuyến bay, nhưng cô vẫn lên máy bay ở Milan, quá cảnh tại Moskva rồi về Thượng Hải. Wang bị cách ly ngay khi về đến Trung Quốc. Xét nghiệm hôm 1/3 cho thấy cô dương tính với nCoV. 7 đồng nghiệp của cô trong diện nghi nhiễm.
Đây là thách thức mới của Trung Quốc trong cuộc chiến chống nCoV.
Trung Quốc gần như đã kiềm chế được Covid-19 trong nước, số ca mới mỗi ngày hiện chưa đến 100, hầu như tất cả đều ở Hồ Bắc. Nhưng giờ họ đối mặt nguy cơ “nhập khẩu” nCoV khi dịch đang bùng phát mạnh ở các nước khác.
Trung Quốc nghĩ rằng một khi họ kiềm chế được Covid-19, dịch sẽ chấm dứt, Trương Văn Hoành, giám đốc khoa truyền nhiễm tại bệnh viện Hoa Sơn Thượng Hải, nói. Nhưng giờ đây, lượng ca nhiễm mới xuất hiện ở nước ngoài còn nhiều hơn ở Trung Quốc.
“Đây là một dấu hiệu xấu và rất đáng lo ngại”, Trương nói. “Tình trạng này sẽ đem đến khó khăn cho công tác chống dịch của Trung Quốc”.
Tính đến 3/3, 75 người từ nước ngoài vào Trung Quốc dương tính với nCoV. Giới chức Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn những người từ các điểm nóng mới như Hàn Quốc, Iran, bắc Italy và Nhật Bản mang dịch trở lại.
Quảng Đông và Thượng Hải quy định tất cả người đến từ những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng phải cách ly trong 14 ngày. Bắc Kinh, vốn có quy định cách ly 14 ngày với tất cả người từ bên ngoài vào thủ đô, cũng nhấn mạnh 4 điểm nóng ở nước ngoài trong một cuộc báo tuần này. Hai trong số ba trường hợp mới được xác nhận tại Bắc Kinh hôm 3/3 là người đến từ Iran và Italy.
Chiết Giang có nguy cơ lớn “nhập khẩu” nCoV từ Italy vì khu vực Ôn Châu có liên kết thương mại lịch sử với Italy, nơi đã ghi nhận hơn 3.800 ca nhiễm và gần 150 người tử vong. Khoảng 200.000 người Trung Quốc từ Ôn Châu và Thanh Điền sống ở Italy, hầu hết làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng.
Trong giai đoạn đầu dịch bùng phát, người Trung Quốc sống ở Italy đã ủng hộ 10.000 khẩu trang, 300 bộ quần áo bảo hộ và 240 cặp kính bảo hộ cho cư dân Ôn Châu. Giờ đây, cư dân Ôn Châu đáp lễ, Hiệp hội Công nghiệp Kính mắt Ôn Châu đã gửi các hộp kính bảo hộ đến Italy trong tuần này.
Tương tự, tỉnh Ninh Hạ ở tây Trung Quốc, nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi, dân tộc thiểu số theo Hồi giáo, có nguy cơ cao “nhập khẩu” nCoV từ Iran. Tuần trước, hai người trở về Ninh Hạ từ Iran nhiễm nCoV và lây cho hai người khác.
Giới chức Trung Quốc đang rơi vào tình huống khó xử. Khi dịch mới bùng phát ở Vũ Hán từ tháng 12/2019, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ “phản ứng thái quá” và “gây hoảng sợ” khi Washington khuyến cáo công dân không đến Trung Quốc và đưa nhân viên rời lãnh sự quán ở Vũ Hán.
Giờ đây, giới chức Chiết Giang đang khuyến cáo công dân ở nước ngoài giảm thiểu đi lại. Ở nhà “là cách bảo vệ bản thân tốt nhất”, chính quyền Thanh Điền viết trong thông cáo với người Trung Quốc ở nước ngoài.
“Vì lợi ích và sức khỏe của gia đình, hãy tăng cường các biện pháp phòng ngừa, quyết định cẩn thận về kế hoạch đi lại và giảm thiểu di chuyển”, họ đăng trên WeChat.
Tuy nhiên, chính quyền trung ương khuyến khích người Trung Quốc ở nước ngoài về nước, nói rằng họ rất coi trọng sức khỏe của công dân Trung Quốc tại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy và Iran. “Nếu tình hình ở những nước đó tồi tệ hơn, chính quyền Trung Quốc sẽ có thêm biện pháp để đưa họ trở lại Trung Quốc”, Thôi Ái Dân, lãnh đạo Cục Lãnh sự tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết
Lo ngại công dân nhiễm nCoV ở nước ngoài, Trung Quốc bắt đầu sơ tán người dân khỏi các ổ dịch. Hai phi cơ đã bay từ Hàng Châu đến Milan trong tuần này, Trung Quốc cũng điều hai máy bay tới Iran để đón công dân vì các chuyến bay thẳng thương mại đã bị hủy. Giới chức ưu tiên đưa các sinh viên mắc kẹt trong thành phố thiêng Qom về nước, số còn lại là lao động hoặc doanh nhân.
“90% người Trung Quốc tôi quen ở Iran muốn về nước ngay bây giờ”, một người Trung Quốc lấy tên là Lao Qi sống ở Tehran, nói. “Họ lo lắng về tình hình dịch ngày càng nghiêm trọng ở Iran, lo ngại chính quyền địa phương thiếu biện pháp dập dịch mạnh tay và công chúng Iran thiếu ý thức phòng bệnh”, ông nói.
Phương Vũ (Theo Washington Post) – Vnexpress