Trung Quốc gặp khó khi chọn tân đại sứ tại Mỹ

Việc chọn người ôn hòa hay “chiến lang” để thay thế đại sứ lâu năm tại Mỹ Thôi Thiên Khải đang là câu hỏi khó mà Bắc Kinh đối mặt.

Bắc Kinh đang cân nhắc lựa chọn người tới Washington thay thế Thôi Thiên Khải, người được Chủ tịch Tập Cận Bình bổ nhiệm làm đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ năm 2013. Theo giới quan sát, Trung Quốc sẽ tìm kiếm một gương mặt phù hợp với cách tiếp cận ngoại giao hiện tại: Thận trọng và có hiểu biết về Mỹ nhưng đủ quyết liệt để thực hiện những chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn mà Chủ tịch Tập đưa ra.

“Chắc chắn Bắc Kinh cần ai đó có thể giúp đỡ và thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ”, Zhiqun Zhu, trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell, Mỹ, đánh giá. “Hai bên đã trải qua một quãng thời gian khó khăn và có vẻ như đã sẵn sàng bắt đầu trở lại. Đây có thể là một cơ hội tốt”.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải trả lời phỏng vấn ở Washington tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải trả lời phỏng vấn ở Washington tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.

Các nhà phân tích nhận định một chút kiềm chế có thể tốt hơn nhiều so với cách tiếp cận cứng rắn ở thời điểm hiện tại, khi Mỹ ngày càng cảnh giác với Trung Quốc.

“Dù mọi người thường nói Mỹ không hiểu Trung Quốc và Bắc Kinh hiểu rất rõ Washington, tôi lại cho rằng Trung Quốc thường hiểu sai về Mỹ”, Elizabeth Economy, chuyên gia tại Viện Hoover, Đại học Stanford, Mỹ, nhận xét.

“Điều đó nói lên rằng sẽ không có hoạt động ngoại giao nào hiệu quả nếu Bắc Kinh vẫn duy trì các chính sách như hiện nay”, bà nói thêm, nhắc tới những động thái của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, Đài Loan và xung đột biên giới với Ấn Độ.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc từng được cân nhắc giữ vai trò tân đại sứ tại Mỹ, theo Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson. Mã có vị thế và kinh nghiệm thích hợp cho một trong những ghế ngoại giao quan trọng nhất của Bắc Kinh.

Ông kém đại sứ Thôi 11 tuổi, đại diện cho một thế hệ trẻ hơn. “Mọi người sẽ mong đợi những phong cách khác nhau dù bối cảnh mối quan hệ song phương khó thay đổi”, Sun cho hay.

James Green, chuyên gia cấp cao từ Đại học Georgetown từng làm việc với Mã vào năm 2007, 2008, khi ông còn là cục trưởng Cục Hoạch định Chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tuần trước, Mã có một “cuộc trao đổi sâu sắc” với đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley. Theo Green, đại sứ quán Mỹ đã đặt vấn đề trao đổi về Iran với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Mã được giao tiến hành cuộc điện đàm, cho thấy khả năng xử lý các vấn đề đa phương của ông.

Theo Andrew Mertha, giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế John Hopkins ở Washington, Thứ trưởng Mã là người rất đáng tin cậy cho vị trí đại sứ tại Mỹ. “Ông ấy sẽ giao tiếp theo cách thẳng thắn, không bài xích và cũng không cần thể hiện phong cách ‘chiến lang’ để chứng tỏ lòng trung thành với Bắc Kinh”, Mertha bình luận. “Mã là gương mặt thích hợp ở thời điểm hiện nay, nơi mà mối quan hệ sẽ được điều chỉnh bởi những cuộc trao đổi thẳng thắn giữa đôi bên”.

Những gương mặt triển vọng khác được các nhà phân tích Mỹ đánh giá cao là Lưu Kết Nhất, người đứng đầu Văn phòng phụ trách vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ Viện Trung Quốc, và Phó Oánh, cựu quan chức ngoại giao hiện là giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa. Các ứng viên tiềm năng còn có đặc phái viên của Trung Quốc tại Hong Kong Tạ Phong và đại sứ Trung Quốc tại Canada Tùng Bồi Vũ.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc. Ảnh: Reuters.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc. Ảnh: Reuters.

Tất cả các nhà quan sát đều đồng ý rằng bất kỳ gương mặt mới nào cũng sẽ phải đối diện với những thách thức rất lớn. Đại sứ Thôi Thiên Khải đáng lẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2017, nhưng đã được yêu cầu ở lại.

“Vị trí này yêu cầu một người phải mang lại cho nó rất nhiều năng lượng, những ý tưởng mới, một diện mạo mới và không phải chịu gánh nặng của mối quan hệ 8 năm đầy biến động”, Economy nhận xét.

Giới phân tích cho rằng vị trí đại sứ Trung Quốc tại Mỹ không phải công việc mà hầu hết mọi người đều thích thú, bất chấp uy tín và tầm quan trọng của nó. “Đây là một công việc phức tạp”, Green nói.

Như một dấu hiệu cho thấy căng thẳng nội bộ cũng như áp lực vốn có của công việc, Đại sứ Thôi hồi tháng ba năm ngoái đã bác bỏ những bình luận của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, người theo đuổi chính sách “chiến lang”, rằng nCoV có thể được đưa vào Trung Quốc bởi các vận động viên Mỹ tham dự hội thao quân sự tại Vũ Hán.

Chủ tịch Tập dường như sẽ không chọn một nhà ngoại giao theo phong cách “chiến lang” thay thế đại sứ Thôi, bởi hầu hết họ đều thuộc thế hệ trẻ và chưa đủ tín nhiệm để trở thành đại sứ tại Mỹ.

Mặt khác, “nếu cử một nhà ngoại giao chiến lang tới Washington, hành động này về cơ bản sẽ gửi đi tín hiệu rằng Bắc Kinh không hứng thú với việc tìm kiếm tiếng nói chung”, Economy đánh giá.

Vũ Hoàng (Theo SCMP) – Vnexpress