Trung Quốc ‘ép’ Indonesia để thăm dò ASEAN

Với việc đưa tàu cá xâm phạm EEZ Indonesia, Trung Quốc dường như muốn thử phản ứng của Jakarta và ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Indonesia hôm 30/12/2019 cáo buộc tàu hải cảnh và hàng chục tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ngoài khơi quần đảo Natuna ở nam Biển Đông.

Chính phủ Indonesia ngay sau đó đã có một loạt biện pháp đối phó trên mặt trận ngoại giao, thực địa và truyền thông, như triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối, gửi công hàm khẳng định Trung Quốc đã vi phạm EEZ của Indonesia được thiết lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nước này cũng viện dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”.

Trên thực địa, hải quân Indonesia hôm 4/1 đưa 8 tàu chiến cùng 4 chiến đấu cơ tới vùng biển phía bắc Natuna. Ngày 8/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo bay đến đảo Natuna và lên thăm một tàu chiến, phát thông điệp phản đối mạnh mẽ tới Bắc Kinh. Một ngày sau, phần lớn các tàu cá và hải cảnh Trung Quốc rời khỏi EEZ Indonesia, hướng về phía bắc.

Tổng thống Indonesia Widodo, thứ hai từ phải sang, thăm căn cứ quân sự trên đảo Natuna hôm 8/1. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Indonesia.
Tổng thống Indonesia Widodo (áo khoác đen) thăm căn cứ quân sự trên đảo Natuna hôm 8/1. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Indonesia.

Đánh giá về hành động của Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland, Australia, cho rằng Bắc Kinh đã tính toán kỹ khi điều tàu đến vùng biển gần đảo Natuna.

“Trung Quốc muốn kéo vùng biển của Indonesia vào đường 9 đoạn. Nếu Indonesia phản ứng yếu, Bắc Kinh sẽ lấn tới đòi yêu sách”, ông Hải nói. 

Theo ông Hải, vùng biển Indonesia nơi các tàu Trung Quốc xâm phạm nằm ở mép “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương vẽ ra để đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Bắc Kinh không muốn để các tàu đi quá sâu vào trong EEZ của Indonesia, dường như để thăm dò cách phản ứng của Jakarta.

Ông Hải lưu ý hành động của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi Bắc Kinh điều tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 và nhóm tàu hộ tống xâm phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông, trong đó có bãi Tư Chính. Khoảng cách từ bãi Tư Chính đến quần đảo Natuna cũng không xa.

“Điều đó cho thấy Trung Quốc đang xúc tiến việc xâm phạm vùng biển của các nước ven Biển Đông, không riêng của nước nào”, ông Hải nói. 

Trong năm 2019, hai tàu của Trung Quốc là Dong Fang Hong 3 và Zhang Jian bị phát hiện hoạt động trong vùng biển của Philippines từ đầu tháng 7 và 8, chỉ cách bờ biển phía đông Philippines khoảng 80 hải lý. Tháng 5/2019, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã quấy rối, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trên Biển Đông. Ở khu vực này, Trung Quốc tranh chấp với một số thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. 

Ý đồ khác của Trung Quốc khi điều tàu vào vùng biển của Indonesia, theo chuyên gia của Đại học Queensland, là muốn thử phản ứng của ASEAN

“Có thể Trung Quốc muốn biết mức độ đoàn kết của ASEAN, dựa trên nội dung trao đổi trong các cuộc họp của năm 2020”, ông Hải nói. 

Vấn đề chưa rõ hiện nay là Indonesia có nêu vụ xâm phạm của Trung Quốc gần quần đảo Natuna trong họp ASEAN hay không và các nước thành viên sẽ thảo luận tình hình Biển Đông thế nào, thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ra sao. 

Đồng tình với nhận định trên, Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Luật TP HCM, ví việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Indonesia như hành động “tung quả bóng thăm dò”.

Tàu chiến hải quân Indonesia áp sát tàu hải cảnh Trung Quốc (màu trắng) ở vùng biển gần quần đảo Natuna hôm 12/1. Ảnh: Reuters.
Tàu chiến hải quân Indonesia áp sát tàu hải cảnh Trung Quốc (màu trắng) ở vùng biển gần quần đảo Natuna hôm 12/1. Ảnh: Reuters.

Theo ông Việt, khi Indonesia không liên quan đến tranh chấp giữa Trung Quốc và các thành viên khác của ASEAN trên Biển Đông, Trung Quốc dùng “đường 9 đoạn” để lấn vào EEZ của Indonesia ở phía bắc quần đảo Natuna. Do đó, nếu Indonesia phản ứng không đủ mạnh, nước này có nguy cơ mất EEZ.

Tương tự, các nước có tranh chấp với Trung Quốc nếu không phản đối mạnh, Bắc Kinh cũng sẽ ngang nhiên xâm phạm các khu vực EEZ của họ, biến hiện trạng thành “sự đã rồi”. Trong sự kiện Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía nam Biển Đông, trong đó có bãi Tư Chính, của Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 10/2019, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh âm mưu “biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp”, nhằm giành quyền kiểm soát khu vực này. 

Ông Việt nhắc lại việc Trung Quốc đòi hợp tác với các nước ven Biển Đông, muốn phân chia lợi nhuận trong EEZ của các nước đó, là điều trái với các quy định của UNCLOS, nên các nước không thể chấp thuận.

Ông Việt cho rằng Trung Quốc cố tình “tạo sự cố ở Biển Đông” vào giai đoạn này vì giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng Mỹ đang “lơ là” khu vực châu Á – Thái Bình Dương do phải bận tâm đến các diễn biến ở Trung Đông cũng như cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra.

Dự báo xu hướng sắp tới, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng tình hình Biển Đông trong năm 2020 tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, trong bối cảnh các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc thể hiện quyết tâm bảo vệ EEZ của mình, chống lại âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, lòng tin suy giảm sẽ khiến ASEAN và Trung Quốc khó đạt được đồng thuận về COC.

Theo Tiến sĩ Hải, Trung Quốc sẽ không từ bỏ ý đồ hiện thực hóa “đường 9 đoạn”, nhưng sẽ có những hành động “cầm chừng” hơn trong năm 2020. Ông cho rằng Jakarta trong thời gian tới sẽ phản ứng mạnh với Trung Quốc một cách thận trọng.

Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng nếu các nước ứng phó không linh hoạt, khéo léo, để xảy ra đụng độ bằng vũ lực trên Biển Đông, luật pháp quốc tế sẽ bị phá vỡ và Trung Quốc sẽ có “cơ hội” đòi yêu sách. 

“Câu hỏi hiện nay là các nước ASEAN sẽ phản ứng thế nào”, ông Hải nói.