Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ bơm khoảng 115 tỷ USD vào nền kinh tế bằng cách hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng thương mại. Hồi tháng 9 năm ngoái, PBOC cũng có hành động tương tự.
So với quy mô nền kinh tế Trung Quốc thì động thái này tương đối khiêm tốn. Tuy nhiên, nó cho thấy các nhà lãnh đạo đang cảnh giác cao độ trước những bằng chứng về tăng trưởng chậm lại. Quyết định bơm tiền còn nằm trong bối cảnh các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu vừa nhóm họp xong và Bắc Kinh sắp công bố các số liệu sơ bộ về tăng trưởng năm qua.
Không chỉ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong gần ba thập kỷ của nước này mà nền kinh tế toàn cầu cũng vì chuyện đó mà ảnh hưởng.
Lĩnh vực sản xuất của Đức đã suy yếu một phần do nhu cầu từ Trung Quốc giảm. Các nước châu Âu khác cũng tăng trưởng chậm và hợp đồng công nghiệp lao dốc. Kinh tế Trung Quốc yếu đi còn ảnh hưởng đến phần còn lại của châu Á, thậm chí châu Phi và Mỹ Latinh, nơi ngày càng phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc.
Australia sau khi đón đợt bùng nổ nhu cầu tài nguyên thiên nhiên từ Trung Quốc thì nay chứng kiến tăng trưởng bị đe dọa. Các nhà sản xuất Mỹ cũng đang vật lộn vì nhu cầu toàn cầu yếu đi, làm trầm trọng thêm sự bất ổn do các tranh chấp thương mại của Tổng thống Donald Trump.
Các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đã thực hiện các bước để củng cố nền kinh tế của họ. Vài tháng trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã công bố gói kích thích 20 tỷ euro mỗi tháng, tương đương gần 25 tỷ USD, theo tỷ giá hối đoái hiện tại.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã cắt giảm lãi suất ba lần vào năm ngoái để ngăn chặn tình trạng chậm sản xuất lan sang phần còn lại của nền kinh tế. Hàng chục ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã hành động tương tự.
Một số dấu hiệu gần đây cho thấy tốc độ chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc đã dịu bớt. Số liệu tháng 11 về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ cho biết nền kinh tế này khá lên. Thị trường bất động sản, một phần thiết yếu của nền kinh tế Trung Quốc, dường như cũng được cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm lo ngại. Báo cáo của hãng tư vấn China Beige Book phát hành tháng trước nhận định tăng trưởng đơn hàng vẫn chậm chạp và các công ty Trung Quốc đang tăng cường vay mượn.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại của ông Trump. Mức thuế cao hơn khiến việc bán hàng hóa Trung Quốc cho Mỹ đắt đỏ hơn, làm giảm hoạt động của nhà máy nước này và sự tin tưởng của người tiêu dùng ở đó. Một “thỏa thuận ngừng bắn” có thể giảm thiệt hại nhưng vẫn để lại nhiều mức thuế.
Theo các nhà kinh tế, việc chọn cách bơm tiền bằng phương thức hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho thấy Bắc Kinh đang cố tìm điểm trung gian giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà không cần dùng đến các bước mạnh, vốn có thể giúp kinh tế tiến xa hơn nhưng cũng khiến đất nước lâm nợ nhiều hơn.
Phiên An (theo New York Times) – Vnexpress