Trump và giới chức y tế Mỹ ‘đồng sàng dị mộng’ về nCoV

Cố vấn Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 24/2 khuyên các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu khi thị trường đang trong nhịp giảm mạnh do nỗi lo về nCoV.

Hôm đó, chỉ số Dow Jones mất 1.032 điểm. Kudlow nói rằng đây chỉ đơn giản là “một ngày tồi tệ” và tình hình sẽ nhanh chóng cải thiện. Tại Ấn Độ xa xôi, Tổng thống Trump cũng đưa ra lời khuyên tương tự trên Twitter. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, Dow Jones lại mất thêm 879 điểm.

Tổng thống Mỹ Trump tại cuộc họp báo về nCoV ở Nhà Trắng ngày 26/2. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Trump tại cuộc họp báo về nCoV ở Nhà Trắng ngày 26/2. Ảnh: Reuters.

Triển vọng xán lạn mà Trump, Kudlow và các quan chức Nhà Trắng khác đang cố gắng đưa ra về tác động kinh tế của dịch Covid-19 dường như mâu thuẫn với thực tế: Covid-19 đang lây lan nhanh chóng đến nhiều quốc gia và tàn phá các chuỗi cung ứng toàn cầu. Dịch đã xuất hiện ở 56 quốc gia và vùng lãnh thổ với 5 ổ dịch lớn là Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, du thuyền Diamond Princess, Italy và Iran. Hơn 83.000 người nhiễm và hơn 2.800 người chết.

Cuối tháng một, nhiều hãng hàng không Mỹ đã ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc. Washington cấm người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày nhập cảnh, đồng thời cách ly bắt buộc người Mỹ từng đến Hồ Bắc trong vòng 14 ngày. Mỹ cũng nâng cảnh báo đi lại tới Hàn Quốc lên mức cao nhất, yêu cầu người Mỹ nên tránh tất cả những chuyến đi không cần thiết đến nước này.

Mỹ ghi nhận 60 ca nhiễm nCoV, trong đó phần lớn là hành khách tàu Diamond Princess. Tuy nhiên, Trump và các quan chức Nhà Trắng đang công khai giảm nhẹ mối đe dọa của nCoV nhằm ngăn chặn hậu quả kinh tế, trong khi các quan chức có chuyên môn về y tế đang cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu thờ ơ về dịch bệnh.

Trump hôm 26/2 tổ chức một cuộc họp báo về nCoV, khẳng định nguy cơ do nCoV ở Mỹ “rất thấp”. Ông ca ngợi phản ứng của chính phủ, đồng thời đổ lỗi cho truyền thông và đảng Dân chủ khiến thị trường chứng khoán sụt giảm.

Trong một bài đăng trên Twitter, ông viết sai chính tả từ virus corona thành “virus carona” và chỉ trích hai kênh truyền hình cáp “đang làm mọi thứ có thể để làm cho công chúng thấy dịch có vẻ tồi tệ và khiến thị trường hoảng loạn”.” “Tương tự, những người Dân chủ chẳng được cái tích sự gì, họ chỉ biết nói suông chứ không hành động. Nước Mỹ vẫn đang rất khỏe mạnh!”, ông viết.

Hai quan chức chính quyền giấu tên cho biết Trump rất tức giận vì thị trường chứng khoán xuống dốc. Ông cho rằng những cảnh báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ.

“Thật không may, những gì chúng ta đang thấy hôm nay là nỗ lực của phe cánh tả và một số phương tiện truyền thông để đánh lạc hướng và làm phiền người dân Mỹ với những thông tin gây e sợ”, phát ngôn viên của Nhà Trắng Judd Deere nói. “Nền kinh tế Mỹ hùng mạnh nhất thế giới nhờ sự lãnh đạo và chính sách của Tổng thống Trump. Nguy cơ của dịch Covid-19 tại nước Mỹ vẫn thấp nhờ hành động ngăn chặn của chính quyền kể từ đầu năm”.

Trong khi đó, Nancy Messonnier, quan chức hàng đầu của CDC, ngày 25/2 cảnh báo tác động của nCoV đối với Mỹ có thể rất lớn, gây gián đoạn nghiêm trọng với cuộc sống hàng ngày. Bà cho biết việc dịch lan rộng hơn ở Mỹ là “không thể tránh được” và cảnh báo mọi người cần bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

“Câu hỏi không còn là liệu nó có xảy ra ở Mỹ không, vấn đề chỉ là khi nào và bao nhiêu người sẽ ngã bệnh”, bà nói.

Ngày 27/2, Trump nói rằng Covid-19 rồi sẽ biến mất như “một phép màu”, trong khi chiều hôm trước, quan chức CDC Ann Shuchat cảnh báo sẽ có thêm ca nhiễm ở Mỹ.

“CDC có lẽ đáng tin cậy hơn bất cứ điều gì các quan chức kinh tế của Trump nói”, Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế tài chính tại MUFG Union Bank, nói.

Chi phí y tế cao có thể là yếu tố khiến dịch khó kiểm soát ở Mỹ. Nhiều người Mỹ không đi khám bệnh để tránh chi phí không đáng có. Tháng trước, một người đàn ông ở Florida có triệu chứng đã làm xét nghiệm nCoV và phải trả hóa đơn 3.270 USD. Nghỉ phép cũng là một vấn đề. Không phải tất cả công ty Mỹ đều cho nghỉ phép có lương và văn hóa làm việc ở đây thường khiến các nhân viên cố gắng đi làm kể cả khi bị ốm.

Gene Sperling, từng làm cố vấn kinh tế trong chính quyền của Clinton và Obama, nói nhiệm vụ khó khăn của các quan chức Nhà Trắng là phải cố gắng cân bằng giữa một bên là trấn an công chúng và bên kia là không hạ thấp các mối đe dọa có nguy cơ trở thành thảm họa.

“Họ không muốn gây lo lắng thái quá, nhưng nếu tất cả những gì họ làm là tỏ ra lạc quan thì họ sẽ mất uy tín”, Sperling nói. 

Nhà Trắng đã yêu cầu quốc hội phê duyệt kế hoạch bơm 2,5 tỷ USD để chống nCoV nhưng phe Dân chủ cho rằng khoản này còn quá ít để đối phó mối đe dọa và chỉ trích chính quyền Trump không nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Trump cho biết hôm 26/2 rằng ông sẽ đồng ý với yêu cầu chi 4 tỷ USD hoặc thậm chí lên tới 8 tỷ USD mà một số nghị sĩ Cộng hòa đưa ra.

Cựu phó tổng thống Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử 2020, nhắc nhở cử tri rằng ông từng là người chịu trách nhiệm công tác đối phó của Mỹ đối với virus Ebola. Ông nhấn mạnh rằng các nhà khoa học và chính quyền không thể “đồng sàng dị mộng”. “Tổng thống cần phải có quan điểm thống nhất với các nhà khoa học”, Biden nói.

Phương Vũ (Theo Washington Post/NBC) – Vnexpress