Trump rời Ấn ‘trắng tay’ về thương mại

Trump chưa ký được thỏa thuận thương mại với Ấn Độ khi kết thúc chuyến thăm ngập tràn hình ảnh trước công chúng song bị cho là “thiếu chất lượng”.

Tổng thống Mỹ Trump tới Ấn Độ hôm 24/2, bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên đến quốc gia này kể từ khi nhậm chức. Ông chủ Nhà Trắng đã phát biểu tại sân vận động cricket lớn nhất thế giới ở bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi, trước 100.000 người dân đã chờ ông từ 4h sáng.

New Delhi đã chuẩn bị kỹ cho sự kiện quan trọng này, khi các công nhân gấp rút hoàn thiện sân vận động và dựng lên một bức tường để che khuất những khu ổ chuột xung quanh. Các đàn chó hoang, bò và khỉ đều được di dời.

Ấn Độ cũng dựng hàng nghìn biểu ngữ trên đường, trong khi các lá cờ có hình Trump và Modi được bán chạy. Hàng chục nghìn người xuất hiện dọc tuyến đường tới sân vận động, trong khi Trump trước đó nói rằng “có 6-10 triệu người” sẽ chào đón ông.

Tổng thống Mỹ đã ca ngợi Modi là “một người bạn thực thụ”, tán dương quan hệ Mỹ – Ấn Độ và bày tỏ mong muốn tăng cường sự gắn kết giữa hai nước. Lãnh đạo hai nước cũng chia sẻ lo ngại về Trung Quốc và muốn tăng cường quan hệ quốc phòng. Tổng thống Mỹ đã tuyên bố ký thỏa thuận mua bán trực thăng và những khí tài tối tân trị giá 3 tỷ USD cho lực lượng vũ trang Ấn Độ hôm 25/2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hyderabad House, New Delhi, hôm 25/2. Ảnh: AFP. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hyderabad House, New Delhi, hôm 25/2. Ảnh: AFP. 

Ông chủ Nhà Trắng cũng tỏ ý muốn mở rộng hợp tác không gian với New Delhi, cho biết hai bên đang tiến tới một thỏa thuận thương mại “đáng kinh ngạc”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước khi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump va chạm với chủ trương tăng cường năng lực nội địa “Make in India” của Modi.

Khi có bài phát biểu kết thúc chuyến công du ngắn tại Taj Mahal cùng Đệ nhất phu nhân Melania, Trump chỉ nhận định Mỹ và Ấn Độ đã đạt được “tiến bộ to lớn” đối với một thỏa thuận thương mại “đáng kinh ngạc”. Ông chủ Nhà Trắng sau đó nói thêm “Mỹ phải được đối xử công bằng và Ấn Độ cũng hiểu điều đó nếu hai nước có thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay”.

Ấn Độ năm ngoái là một trong những quốc gia bị Trump áp thuế nhập khẩu với mặt hàng thép và nhôm, lần lượt là 25% và 10%. Tổng thống Mỹ cũng loại nhiều mặt hàng Ấn Độ khỏi chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây được xem là nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng trong việc cắt giảm thâm hụt thương mại 25 tỷ USD với nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.

Thủ tướng Modi, người đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế vốn bị lạm phát và thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, cũng đáp trả lại mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Mỹ, trong đó có mặt hàng hạnh nhân California trị giá 600 triệu USD.

Tổng thống Mỹ đã có những kỷ niệm đẹp trong chuyến công du Ấn Độ đầu tiên, song triển vọng về thỏa thuận thương mại giữa nền kinh tế lớn nhất và quốc gia đông dân thứ hai thế giới vẫn được nhận định còn “xa vời”. Nhiều người suy đoán thỏa thuận có thể xảy ra khi Ấn Độ hạ thuế quan với xe máy Harley-Davidson cùng các mặt hàng khác của Mỹ.

“Harley-Davidson phải trả mức thuế rất cao khi họ đưa xe máy tới đây, trong khi Ấn Độ cũng bán xe máy vào Mỹ và hầu như không phải chịu thuế. Điều đó thật không công bằng. Tôi muốn có đi có lại và bắt buộc phải như vậy”, Trump nói tại cuộc họp báo.

Ngoài vấn đề thương mại, quan hệ Mỹ – Ấn Độ được cho là còn rất nhiều khác biệt. New Delhi từng nhiều lần phản đối đề xuất làm trung gian hòa giải xung đột tại khu vực Kashmir của ông chủ Nhà Trắng. Trong khi đó, Washington không hài lòng khi quốc hội Ấn Độ thông qua dự luật cấp quyền công dân cho người nhập cư từ ba nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan nhưng không gồm người Hồi giáo hồi cuối năm 2019.

Ngọc Ánh (Theo AFP) – Vnexpress