Sau khi một nhóm liên kết với al-Qaeda phá hủy các di tích tôn giáo cổ ở Timbuktu, Mali, năm 2012, Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đã khởi tố vụ án hình sự hủy hoại văn hóa. Dù thường tập trung vào các vi phạm nhân quyền, ICC đã truy tố thủ lĩnh nhóm phiến quân Ahmad al-Faqi al-Mahdi vì phạm tội ác chiến tranh do đã phá hủy các cổ vật văn hóa ở Timbuktu.
Đây là lần đầu tiên ICC truy tố hình sự một vụ phá hoại di sản văn hóa, góp phần “bảo vệ những giá trị và di sản văn hóa chung của nhân loại”, tổng thư ký UNESCO Irina Bokova nói vào thời điểm đó. Al-Mahdi cuối cùng nhận tội và bị kết án 9 năm tù .
Vụ án được nhắc tới khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran tăng cao vì vụ không kích giết chết tướng Iran Qasem Soleimani. Trong bài đăng Twitter tối 4/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng nếu Iran không kích bất kỳ người Mỹ hoặc tài sản nào của Mỹ, Mỹ sẽ nhắm mục tiêu 52 vị trí ở Iran, tương đương 52 người Mỹ bị Iran bắt làm con tin trong cuộc cách mạng năm 1979, bao gồm các mục tiêu rất quan trọng đối với Iran và văn hóa Iran.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Ngoại trưởng Mike Pompeo tránh trả lời trực tiếp liệu Mỹ có thực sự nhắm mục tiêu vào các địa điểm văn hóa Iran, song bảo vệ quan điểm của Trump. “Chúng tôi kiên quyết bảo vệ lợi ích của Mỹ và chúng tôi sẽ làm theo cách phù hợp với quy định của pháp luật. Chúng tôi đã luôn làm điều đó và bài đăng Twitter của Tổng thống không đi chệch khỏi định hướng này”, Pompeo nói.
“Vậy theo quan điểm của ông, việc nhắm mục tiêu các trung tâm văn hóa là hợp lý về mặt lý thuyết”, phóng viên đặt câu hỏi. “Chúng tôi sẽ làm những điều đúng đắn và những điều phù hợp với luật pháp Mỹ”, Pompeo trả lời.
Tuy nhiên, tấn công vào địa điểm văn hóa sẽ vi phạm một số điều ước quốc tế và có thể bị coi là tội ác chiến tranh. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2017 thông qua nghị quyết “lên án việc phá hủy di sản văn hóa bất hợp pháp, bao gồm việc phá hủy các địa điểm tôn giáo và cổ vật”. Nghị quyết được đưa ra sau khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phá hủy một số địa điểm lịch sử và văn hóa lớn ở Syria và Iraq năm 2014, 2015.
Liên Hợp Quốc rõ ràng cho thấy các hành động nhắm vào địa điểm văn hóa đã cấu thành tội ác chiến tranh. “Sự phá hoại có chủ ý nhằm vào di sản văn hóa chung của chúng ta cấu thành tội ác chiến tranh và đại diện cho cuộc tấn công vào nhân loại nói chung”, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu năm 2015.
Nicholas Burns, cựu quan chức phụ trách các vấn đề chính trị và đại sứ của NATO, lưu ý chính quyền Trump ủng hộ nghị quyết năm 2017 của Liên Hợp Quốc về việc lên án phá hủy các địa điểm văn hóa. “Lời đe dọa của Tổng thống là vô đạo đức và phi Mỹ”, Burns viết trên Twitter.
Hossein Deh Afghanistan, cố vấn quân sự chính của Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei, cho biết các bài đăng Twitter của Trump là “lố bịch và ngớ ngẩn”, nhấn mạnh rằng Iran sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự.
“Nếu Mỹ thực hiện mối đe dọa của Trump để tấn công bất kỳ địa điểm văn hóa nào của Iran, thì chắc chắn không có nhân viên quân sự, trung tâm chính trị, căn cứ quân sự hay tàu nào của Mỹ được an toàn”, Dehghan nói. “Nếu ông ta nói 52, chúng tôi nói 300, và chúng tôi có thể làm được”.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tweet rằng một cuộc tấn công vào địa điểm văn hóa là tội ác chiến tranh. “Đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế trong các vụ ám sát hèn hạ hôm 3/1, Trump dọa sẽ lại vi phạm JUS COGENS”, Zarif nói, đề cập cụm từ chỉ các quy tắc luật pháp quốc tế. “Nhắm mục tiêu các địa điểm văn hóa là tội ác chiến tranh”.
Nhiều quan chức Mỹ cũng phản đối việc nhắm mục tiêu các địa điểm văn hóa Iran. “Việc cố tình phá hủy các địa điểm văn hóa được tôn kính không thể đoàn kết mọi người. Dù IS phá hủy các di tích tôn giáo hay việc Thư viện Leuven bị đốt trong Thế chiến I, lịch sử cho thấy phá hủy địa điểm mang ý nghĩa văn minh không chỉ vô đạo đức mà còn tự hủy diệt”, một quan chức nói.
Một quan chức làm việc trong cả chính quyền Trump và Obama nói rằng theo nguyên tắc, nước Mỹ và quân đội Mỹ không tấn công địa điểm văn hóa của bất kỳ kẻ thù nào. Ngoài ra, một số nguồn tin nói với CNN rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ thực sự tấn công các địa điểm văn hóa ở Iran.
Colin Kahl, cựu phó trợ lý của tổng thống Barack Obama và cố vấn an ninh quốc gia cho phó tổng thống Joe Biden, bày tỏ sự hoài nghi rằng thực sự có địa điểm văn hóa trong danh sách trả đũa có thể.
“Đối với những gì có giá trị, tôi thấy khó tin rằng Lầu Năm Góc sẽ cung cấp cho Trump các tùy chọn mục tiêu bao gồm địa điểm văn hóa của Iran”, Kahlt đăng Twitter. “Trump có thể không quan tâm đến luật chiến tranh, nhưng các nhà hoạch định và luật sư Bộ Quốc phòng hiểu rằng nhắm mục tiêu vào địa điểm văn hóa là tội ác chiến tranh”.
Iran có 22 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm tàn tích cổ Persepolis, nhà thờ Hồi giáo lịch sử Masjed-e Jameh ở Esfahan và Cung điện Golestan xa hoa ở Tehran.
Huyền Lê (Theo CNN) – Vnexpress