Các thống đốc đang cố gắng chế ngự làn sóng Covid-19 trỗi dậy khắp miền nam và miền tây nước Mỹ, nhằm ngăn nền kinh tế rơi vào “hố đen” suy thoái sâu hơn. Trong khi đó, các lãnh đạo tại quốc hội bắt đầu thảo luận về gói giải cứu kinh tế thứ tư, còn Tổng thống Donald Trump vẫn theo dõi tín hiệu từ thị trường chứng khoán, một trong những thước đo thành công ưa thích của ông.
Trump phải đối mặt với một loạt thách thức ngặt nghèo, giữa lúc mức tín nhiệm của ông đang giảm sút. Tuy nhiên, ông vẫn nhận được kết quả thăm dò tốt hơn đối thủ Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, trong lĩnh vực kinh tế. Theo cuộc khảo sát gần đây của WSJ/NBC News, 54% cử tri đồng ý với cách Trump xử lý vấn đề kinh tế, ngay cả khi mức tín nhiệm tổng thể của ông chỉ còn 42%.
“Nếu Tổng thống muốn quỹ đạo kinh tế đi lên vào đầu tháng 10, khi vòng bỏ phiếu sớm diễn ra, việc đưa ra quyết sách đúng đắn vào tháng 7 và tháng 8 vô cùng quan trọng”, Michael Strain, giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho hay.
Các trợ lý và đồng minh của Trump muốn nắm lợi thế tốt nhất có thể và họ cũng nhận thấy 6 tuần tới vô cùng quan trọng đối với nỗ lực đó.
Những trợ lý kinh tế hàng đầu của Trump cũng đang thảo luận với các nghị sĩ nhằm thúc đẩy cắt giảm thuế lương, cùng nhiều biện pháp khác để các nhà tuyển dụng tiếp tục nhận người lao động, bất chấp dấu hiệu kinh tế ảm đạm tại một số điểm nóng Covid-19.
Số lượng trường học được mở cửa tính tới 7/9, ngày Lao động Mỹ, có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất, khiến chính quyền Trump phải gây áp lực lên các địa phương nhằm tìm cách tái mở cửa trường học, ngay cả khi những học khu lớn khắp cả nước đã công bố kế hoạch học trực tuyến.
“Bạn không thể có một nền kinh tế mở khi các trường học vẫn đóng cửa. Các nhà hoạch định chính sách địa phương dường như muốn hai điều trên, nhưng điều đó bất khả thi. Trong nhiều trường hợp, người lao động không thể đi làm nếu con họ ở nhà. Đối với những người làm việc tại nhà với trẻ em, năng suất sẽ bị giảm sút”, Strain giải thích.
Nhà Trắng và chiến dịch tranh cử của Trump gần đây quyết liệt theo đuổi mục tiêu tái mở cửa trường học, coi đây là thông điệp chủ chốt nhằm thu hút lá phiếu của những phụ nữ ở ngoại ô và những phụ huynh đang căng thẳng vì “mắc kẹt” với con ở nhà, bất chấp sự phản đối rộng rãi của các giáo viên và giới chức y tế.
Tuy nhiên, các cố vấn Nhà Trắng nhận thức được rằng Tổng thống không có nhiều công cụ để buộc các bang và học khu tái mở cửa ngoài việc gây sức ép bằng các quyết định hành chính, các nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Một trong những phương án thuyết phục mà các quan chức chính phủ cấp cao đưa ra là phân bổ lại ngân sách, hoặc cấp thêm tiền cho các học khu, hay dành một phần gói kích thích kinh tế sắp tới cho các địa phương để họ trang trải chi phí liên quan tới tái mở cửa trường học giữa đại dịch.
Theo tài liệu lưu hành nội bộ của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, một năm học sinh không đến trường sẽ khiến thu nhập tương lai giảm 7-11%. Tài liệu này cũng chỉ ra việc trường học đóng cửa gây tổn hại các bà mẹ đơn thân, như công việc bấp bênh và lương giảm.
Một số trợ lý cấp cao đánh giá Nhà Trắng chú trọng vào các trường học quá muộn, sau khi dồn sự tập trung vào việc nối lại hoạt động cho nhà hàng, quán bar, doanh nghiệp nhỏ, mặc dù trường học nên là ưu tiên hàng đầu của họ. Giờ đây, Trump và đội ngũ trợ lý chuyển sang “mặt trận” này và dường như coi đây không phải là vấn đề liên quan đến Covid-19
“Tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng ông ấy muốn tái mở cửa trường học. Ý ông ấy là hoạt động một cách đầy đủ, với những đứa trẻ đến trường hàng ngày. Khoa học không nên cản trở việc đó”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany phát biểu trong cuộc họp báo hôm 16/7.
Bà McEnany cho biết những nghiên cứu gần đây chứng minh nguy cơ trẻ em nguy kịch vì Covid-19 thấp hơn so với cúm mùa. Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế cảnh báo không ai nắm bắt đầy đủ về nguy cơ từ nCoV đối với trẻ em, kể từ khi trường học phần lớn bị đóng cửa kể từ tháng 3.
Giữa lúc cuộc tranh luận về việc mở cửa trường học chưa ngã ngũ, cuộc sống của hàng triệu gia đình tại Mỹ lại chuẩn bị rơi vào vô định, khi những lợi ích từ bảo hiểm thất nghiệp mở rộng sẽ hết hạn trong chưa đầy 10 ngày nữa.
Một số cố vấn ngoài chính phủ của Trump, như nhà kinh tế học Stephen Moore thuộc Quỹ Di sản, đã kêu gọi Nhà Trắng chấm dứt việc trợ cấp 600 USD/tuần cho những người Mỹ thất nghiệp, bởi chính sách này không phù hợp với mục tiêu khôi phục nền kinh tế.
“Chính phủ phải từ bỏ phương án đó và quay về với hệ thống trợ cấp thất nghiệp truyền thống. Không thể tiếp tục trả cho những người không làm việc. Kết quả bầu cử của Tổng thống phụ thuộc vào quyết định đúng đắn và tạo tiền đề cho sự phục hồi mạnh mẽ vào mùa thu. Ông ấy sẽ tái đắc cử nếu kinh tế phục hồi tốt, nhưng hiện nay điều đó chưa chắc chắn”, Moore cho hay.
Vài tuần gần đây, Trump công khai đưa ra các ý tưởng kinh tế, bao gồm hoàn thuế trực tiếp nhiều hơn, cung cấp bảo hiểm trách nhiệm cho người lao động và doanh nghiệp, dành ngân sách cho cơ sở hạ tầng, viện trợ chống Covid-19 cho những địa phương nhất định.
Nhà Trắng bày tỏ hy vọng gói viện trợ Covid-19 tiếp theo sẽ bao gồm hàng chục tỷ USD, để các giáo viên và học sinh có thể an toàn trở lại trường học. “Hàng triệu người Mỹ đang tiếp tục đối mặt với những thách thức từ việc đóng cửa kinh tế. Nhưng khi đất nước tái mở cửa, chính quyền Trump sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, khuyến khích doanh nghiệp trở lại hoạt động và tái tuyển dụng”, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere cho hay.
“Tổng thống đã xây dựng nền kinh tế toàn diện nhất trong lịch sử đất nước với thuế thấp, bãi bỏ nhiều quy định, thực hiện thương mại đối ứng và độc lập về năng lượng, tạo nền tảng vững chắc để trở nên vĩ đại. Ông ấy cũng sẽ lại làm như thế”, Deere nói.
Các quan chức kinh tế trong chính quyền Trump tự hào vì họ đã thúc đẩy Đạo luật CARES mà quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3, bao gồm gói viện trợ hiệu quả cùng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn khủng hoảng kinh tế khi các lệnh phong tỏa mới có hiệu lực. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng không tăng cao như một số quan chức hàng đầu dự đoán.
Đội ngũ cố vấn chính trị của Trump vẫn coi kinh tế là thông điệp tốt nhất cho Tổng thống vào mùa thu, bởi trước khi đại dịch bùng phát, ông đã giúp tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ xuống thấp nhất trong lịch sử. Họ dự định xây dựng chiến dịch tranh cử xoay quanh ý tưởng này, tạo sự tương phản với các đề xuất kinh tế của Biden.
“Thông điệp đó cần được củng cố mỗi ngày để trở thành điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của cử tri. Theo phản xạ, mọi người sẽ không đổ lỗi cho Trump vì kinh tế lao dốc, mà lỗi ở Covid-19”, một quan chức giấu tên gần gũi với chiến dịch tranh cử của Trump cho hay.
Ánh Ngọc (Theo Politico) – Vnexpress