Triết lý giáo dục của Giáo sư Đại học VinUni

Theo Giáo sư Dương Nguyên Vũ dùng tri thức để tác động đến tương lai thông qua thế hệ trẻ là trọng trách, vinh dự của người thầy.

Giáo sư Dương Nguyên Vũ hiện là Viện trưởng danh dự Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Đại học VinUni. Trước đó, ông từng là Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý không lưu của Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Ông cũng là một chuyên gia công nghệ thông tin nổi tiếng trong giới hàng không thế giới, từng giữ cương vị Cố vấn khoa học cấp cao kiêm Chủ nhiệm hội đồng khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu về không lưu của châu Âu (Eurocontrol).

Gác lại sự nghiệp ở trời Âu, ông trở về Việt Nam tham gia giảng dạy, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Viện John von Neumann thuộc Đại học Quốc gia TP HCM từ năm 2010.

Sau những thay đổi sự nghiệp, ông Vũ chia sẻ, chặng đường tham gia các hoạt động giáo dục và nghiên cứu tại Việt Nam hơn 20 năm, quyết định gia nhập VinUni khiến ông phấn khích nhất.

Giáo sư Dương Nguyên Vũ hiện là Viện trưởng danh dự Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, trường đại học VinUni. Ảnh: VinUni.
Giáo sư Dương Nguyên Vũ hiện là Viện trưởng danh dự Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, trường đại học VinUni. Ảnh: VinUni.

Nói về quyết định đó, ông Dương Nguyện Vũ dẫn câu nói của Nelson Mandela: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Giáo sư cho rằng, Việt Nam rất cần những mô hình như VinUni, với định hướng trở thành một đại học tinh hoa, thực sự bứt phá. Khát vọng lớn nhất của những tri thức đã thành danh ở nước ngoài như ông là đóng góp để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia hùng cường và bản thân có thể tự hào về đất nước.

“Khi ở nước ngoài, thành tựu dù có lớn đến đâu cũng không phải là cho Việt Nam. Đó là lý do vì sao tôi chọn VinUni, nơi có chung tầm nhìn và là nơi tôi có cơ hội để hiện thực hóa ước mơ của đời mình”, giáo sư chia sẻ.

Giáo sư Dương Nguyên Vũ cũng cho biết, Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore chỉ mất hơn 20 năm để vào top 50 thế giới. Với sự đầu tư bài bản, mô hình bền vững và lộ trình nghiêm túc mà VinUni đang theo đuổi, mục tiêu về một trường đại học Việt Nam đạt đẳng cấp thế giới có cơ sở. “Đây là một sứ mệnh không dễ dàng, nhưng không chỉ tôi mà rất nhiều nhà khoa học người Việt Nam trên thế giới cùng có chung niềm tin như vậy. Triết lý sống của tôi là cứ cống hiến, làm hết những gì mình nghĩ là tốt, đừng đo đếm sẽ được gì, cứ cho đi thì những gì trở lại với mình có thể còn lớn hơn rất nhiều”, giáo sư chia sẻ.

Trên giảng đường VinUni, Giáo sư Dương Nguyên Vũ giảng dạy môn Agile Innovation (Sáng tạo thích ứng nhanh) – môn học đích thân ông xây dựng giáo trình. Môn học Agile Innovation chỉ có ở Đại học Cornell (Mỹ) sẽ lần đầu tiên được giảng dạy tại Việt Nam.

“Được truyền đi ngọn lửa đam mê, được dùng tri thức để tác động đến tương lai thông qua thế hệ trẻ là trọng trách và cũng là vinh dự của người thầy, một vinh dự mà không phải ai cũng có được”, vị Viện trưởng của VinUni khẳng định.

Đưa triết lý từ thể thao vào giáo dục

Ngoài đam mê nghiên cứu khoa học, Giáo sư Dương Nguyên Vũ còn dành nhiều thời gian cho thể thao. Đúng 5h sáng mỗi ngày tại khuôn viên Đại học VinUni, ông mặc đồ thể thao chạy bộ quanh hồ Ngọc Trai của Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội.

Ông chia sẻ mình là một Ironman thực thụ, Đại sứ Ironman, Chủ tịch câu lạc bộ ba môn phối hợp (gồm bơi lội, đạp xe và chạy bộ) đầu tiên của Việt Nam (Viet Nam Triathlon Club – VNTC). Ông thường đạp xe từ 60 – 80km, chạy bộ 10km, sau đó bơi 2 – 3km. Ngày nghỉ, ông có thể chơi cả ba môn phối hợp.

GS. Dương Nguyên Vũ trên đường đua tại cuộc thi Ironman 70.3 Bintan, Indonesia 2016. Ảnh: VinUni.
GS. Dương Nguyên Vũ trên đường đua tại cuộc thi Ironman 70.3 Bintan, Indonesia 2016. Ảnh: VinUni.

“GS Dương Nguyên Vũ hiện là Viện trưởng danh dự Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, trường đại học VinUni. Kỷ luật có nghĩa là phải có kế hoạch và thực hiện đúng những gì đã định. Kỷ luật là yếu tố cần thiết cho bản thân nếu thực sự muốn xuất sắc”, Giáo sư lý giải về sở thích chơi thể thao.

Ông Dương Nguyên Vũ cũng coi thể thao là phong cách sống trải nghiệm hết mình với đời thực, thay vì chỉ sống với những khái niệm. Theo ông, người chưa chạy thường nghĩ mình không thể chạy quá 5km, nhưng chỉ cần kiên trì luyện tập thì sau một thời gian có thể chinh phục cung đường 21km, thậm chí là dài hơn. Người sợ nước thường không dám tập bơi nhưng chỉ cần nhúng mình xuống nước nhiều lần thì sẽ không sợ chìm nữa, thậm chí là bơi rất giỏi. Lúc thực sự trải nghiệm niềm đau, nỗi khổ mà cơ thể phải chịu đựng thì mình mới nhận biết được đâu là giới hạn thật sự của bản thân. Đó là ý nghĩa lớn lao ông cảm nhận được.

Giáo sư Dương Nguyên Vũ dành thời gian tập thể thao để có sức khỏe tốt. Ảnh: VinUni.
Giáo sư Dương Nguyên Vũ dành thời gian tập thể thao để có sức khỏe tốt. Ảnh: VinUni.

Giáo sư Dương Nguyên Vũ cũng đưa triết lý học được từ thể thao vào giáo dục. Đó là sống hết mình, trải nghiệm những điều chưa từng làm và vượt qua những giới hạn để vươn tới những điều lớn lao. Với ông giáo dục là không áp đặt. Thầy chỉ giống như một người hướng dẫn, mở ra không gian để sinh viên bộc lộ bản thân và phát triển. Khi bản thân các sinh viên đã là những tài năng thì không gian mở càng lớn, khả năng phát triển, trở thành những người xuất sắc của họ càng nhiều.

Nha Trang – Vnexpress