Trí tuệ nhân tạo và sự kì diệu của bộ não

Đây là bài viết về Trí tuệ nhân tao được đăng trên Facebook của chuyên gia AI Lê Công Thành Star.vn xin trích dẫn lại để độc giả hiểu rõ hơn về AI.

Ngày cuối cùng của năm 2018, mình muốn viết về điều kì lạ nhất mà mình tìm hiểu được của năm 2018. Đấy cũng là kiến thức đáng giá nhất mà mình từng biết và là thứ thay đổi quan niệm sống của mình. Xin chia sẻ với mọi người như một món quà cuối năm, hi vọng kiến thức này cũng giúp mọi người thay đổi cuộc sống, vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo, vượt qua tuổi già và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.

Bài viết này cũng là món quà gửi tặng các sinh viên thực tập ở công ty InfoRe, những người trẻ tuy thông minh nhưng còn một chặng đường học tập rất dài ở phía trước và sau một cuộc khảo sát gần đây, đa phần đều cho rằng mình đang không biết tin vào điều gì. Những điều mình viết dưới đây hoàn toàn là khoa học chứ không phải chuyện huyền bí.

Khi người ta thí nghiệm đo điện não của nhiều người được giao các công việc khác nhau như chơi cờ, làm toán, giải đố, học các ngôn ngữ mới… và thấy là chỉ chưa đến 10% các vùng trên não được kích hoạt mạnh mẽ. Điều này đã dẫn tới một sự hiểu nhầm tai hại được lan truyền rất lâu trong cộng đồng, rằng chúng ta chỉ sử dụng tối đa khoảng 10% bộ não của mình cho các công việc phức tạp hàng ngày. Thậm chí mọi người còn rỉ tai nhau rằng tiềm năng của mỗi người vì thế rất lớn, chỉ cần tìm cách “đánh thức” được các vùng não “chưa được kích hoạt”, ta sẽ trở nên thông minh hơn và làm được nhiều thứ trước đấy tưởng như không thể.

Thực sự thì bộ não giống như một tảng băng trôi, 90% tảng băng chìm dưới mặt biển và chỉ phần chóp chiếm khoảng 10% nổi lên bên trên. 10% ấy thuộc về các tư duy “có ý thức” còn 90% các hoạt động hằng ngày của con người thuộc về các vùng tư duy “vô thức”. Ở thí nghiệm kể trên, người ta chỉ đo được tín hiệu khi bộ não hoạt động ở vùng tư duy ý thức mà thôi.

Tư duy vô thức là cái gì?

Hãy tưởng tượng khi bạn tập lái xe máy. Nào là phải vào số, vào xong thì vặn ga từ từ, khi cảm thấy xe hơi gằn lên thì thả ga, vào số tiếp. Rồi thì phanh ra sao, bẻ lái thế nào, mới học sẽ phải tư duy rất nhiều. Mình được ông cậu dạy lái xe cách đây khoảng 20 năm, không nhớ lại được chi tiết cậu mình đã dạy những gì, chỉ biết về sau có những khi say rượu không còn chút ý thức nào, mình vẫn lái xe về được đến nhà, mò lên giường lăn quay ra ngủ. Hôm sau thức dậy giật mình hoảng sợ, không hiểu tại sao lại về nổi nhà. Thực ra, khi đã lái xe thành thạo, chúng ta xử lí bằng vô thức chứ không cần dùng ý thức. Cứ ngồi lên xe là đi tới nơi mình cần đến, không phải suy nghĩ gì nhiều.

Tất cả các hoạt động thành thục của mọi người hằng ngày đều được xử lí theo kiểu như vậy. Một nghệ sĩ đánh đàn thuần thục không phải nghĩ khi nhìn vào bản nhạc, một cầu thủ giỏi chẳng cần tư duy cũng có thể lừa bóng qua đối thủ, một lập trình viên nhiều kinh nghiệm viết ra những dòng lệnh cũng chẳng phải nhăn mặt bóp trán như tụi sinh viên mới học hay một người đánh cờ chuyên nghiệp thậm chí có thể chơi cùng lúc với vài chục đối thủ mà vẫn chiến thắng. Mọi công việc lặp đi lặp lại hằng ngày của một người “chuyên nghiệp” thường được họ thực hiện gần giống với những phản xạ tự nhiên.

Để có được các quá trình vô thức, con người thường phải tập luyện bằng ý thức. Tất cả những người ở các ví dụ bên trên đều phải trải qua những quá trình khổ luyện rất dài sử dụng ý thức. Nói cách khác, tư duy vô thức về một nhiệm vụ nào đó chỉ đạt được khi tư duy ý thức được áp dụng lặp đi lặp lại trên nhiệm vụ ấy nhiều lần.

Nếu từng học qua về Trí tuệ nhân tạo, có thể hình dung Ý thức giống như quá trình huấn luyện mô hình, còn Vô thức giống như quá trình sử dụng mô hình đã huấn luyện cho việc suy diễn thông tin. Huấn luyện thường lâu và tốn kém tài nguyên tính toán còn suy diễn thì rất nhanh và không cần dùng nhiều năng lực máy tính.

Những gì diễn ra trong vô thức tuy vậy, không đơn giản đến thế. Con người đã biết đến cơ chế của vô thức từ cả trăm năm nay, nhưng vẫn chưa hiểu thấu đáo về nó. Chỉ biết rằng nó cực kì mạnh mẽ. Vô thức có thể hấp thụ các ý tưởng và bằng cách nào đó, biến nó trở thành hiện thực.

Những người làm khoa học thần kinh thường truyền tai nhau một câu chuyện về bác sĩ người Scotland tên là James Esdaille. Ông này thực hiện khoảng hơn 400 ca phẫu thuật trong khoảng thời gian từ năm 1843 đến 1846, trong đó có nhiều ca cắt chân tay, với tỉ lệ chết chỉ khoảng 3%. Đây là một tỉ lệ kì lạ nếu biết rằng thời đó, người ta còn chưa sử dụng thuốc gây mê và hoàn toàn không có kháng sinh. Bác sĩ Esdaille trước khi tiến hành phẫu thuật thường thực hiện thôi miên bệnh nhân và làm cho họ tin rằng họ sẽ không bị nhiễm trùng sau phẫu thuật. Thật kì lạ vì số lượng bệnh nhân của bác sĩ này bị nhiễm trùng sau phẫu thuật cực kì thấp, nhờ thế số lượng tử vong cũng rất thấp. Người ta giải thích rằng kĩ thuật thôi miên của bác sĩ đã tác động vào vùng vô thức của các bệnh nhân và vùng vô thức của bệnh nhân đã thực thi những phương pháp đặc biệt nào đó để các cơ thể ngăn chặn sự nhiễm trùng.

Một trong các lí do nhiều tôn giáo lớn phát triển được và lan rộng đến tận ngày nay không hẳn là do giáo lí của họ chứa đựng nhiều triết lí huyền diệu mà là nhờ khả năng chữa bệnh của các tu sĩ. Vào thế kỉ 18 ở châu Âu, nhiều giáo sĩ có thể chữa nhiều loại bệnh cho các bệnh nhân chỉ bằng một phương pháp duy nhất: thuyết phục họ tin vào Chúa. Phương pháp này tuy không hiệu quả bằng các phương pháp của y học hiện đại nhưng kì lạ thay, nó có tác dụng. Nhiều bệnh nhân thực sự khỏi bệnh chỉ nhờ vào việc đặt hết niềm tin vào Chúa và cầu nguyện hằng ngày. Chuyện màu nhiệm này ngày nay được giải thích là do vùng tư duy vô thức của bộ não được kích hoạt bằng niềm tin của các con chiên và tự tìm ra cách để tối ưu cơ thể để chữa bệnh.

Nhiều người có thể không tin vào các câu chuyện trên nhưng có một thực tế là hiện tại chúng ta đang chữa bệnh dựa vào nó rất nhiều. Các nhà y dược học từ lâu đã phát hiện ra Hiệu ứng giả dược (Placebo Effect), một hiệu ứng vô cùng kì lạ khi mà bệnh nhân được cho uống những loại chất không hề có tác dụng chữa bệnh (thường là đường, muối hoặc thậm chí nước lọc) và nhưng họ tin một cách rất tích cực rằng đó là một loại thuốc mới có khả năng chữa căn bệnh mà họ đang gặp phải. Thế mà nhiều người khỏi bệnh thật, tỉ lệ chữa bệnh của giả dược ở nhiều căn bệnh rất cao, đến mức khi đã bó tay hoàn toàn trước các liệu pháp điều trị, nhiều bác sĩ tìm cách cho bệnh nhân của mình uống giả dược như một hi vọng lớn cuối cùng, một thứ hi vọng màu nhiệm.

Điều buồn cười nằm ở chỗ bên cạnh hiệu ứng giả dược còn có hiệu ứng “phản dược”, nhiều người chỉ uống đường nhưng cơ thể lại sinh ra các hiện tượng “phản ứng phụ” như buồn nôn, chóng mặt, choáng váng thậm chí bị shock. Đa phần những người này chứa trong đầu các ý nghĩ tiêu cực, họ lo lắng, sợ hãi về bệnh trạng của mình và không tin các loại thuốc có thể giúp họ chữa khỏi bệnh.

Các hiện tượng trên khiến cho người ta hay khuyên nhau giữ những ý nghĩ tích cực trong cuộc sống, không chỉ đối với các bệnh nhân mà trong bất kì công việc gì. Các ý nghĩ tích cực lặp đi lặp lại, niềm tin về một điều gì đó sẽ trở thành sự thật, bằng cách nào đấy dần dần giúp con người ta đạt được nó. Tất cả có vẻ là nhờ tác dụng điều tiết cơ thể kì diệu của hệ thống tư duy vô thức trong não bộ. Những nghiên cứu về sau này về tác dụng của tình yêu, của việc sống vui vẻ, chan hòa với mọi người sẽ khỏe mạnh và sống lâu hơn, chỉ đều bắt nguồn từ hiệu ứng suy nghĩ tích cực mà thôi.

Não của chúng ta có tới 86 tỉ nơ-ron thần kinh, mỗi nơ-ron lại có tới 10 nghìn khớp nối tới các nơ-ron khác, nhờ thế khả năng tính toán của bộ não mạnh gấp rất nhiều lần các hệ thống siêu máy tính mạnh nhất trên đời mà loài người từng tạo ra. Tư duy vô thức lại chiếm đến 90% khả năng tính toán của bộ não, do đó việc tư duy vô thức điều khiển cơ thể làm được điều gì đó là chuyện có thể cảm thấy dễ hiểu. Vì nó quá mạnh.

Cái đáng ghét của vô thức là ta gần như không thể cảm nhận được. Trái ngược với ý thức, ta nghĩ gì ta có thể cảm nhận rất rõ, ta có thể lái luồng tư duy của mình theo những hướng mình muốn, vô thức nằm sâu trong não bộ chúng ta và tự quyết định mọi thứ. Rất ít người có thể chạm tới các vùng tư duy vô thức, nghe đồn những người tập thiền nhiều là những người có thể làm chuyện đó.

Nhưng không cần phải tập thiền để chúng ta có thể khai thác sức mạnh kì diệu của tư duy vô thức. Chọn lối sống hạnh phúc là một cách giúp ta tiếp cận điều này. Sự hạnh phúc không phải là thứ ta phải đi tìm, phải có tiền, phải có danh vọng, phải có địa vị, phải hơn người khác. Hạnh phúc có thể chỉ cần là thứ ta tin là lẽ sống của mình, là thứ mình làm gì cũng hướng đến. Tư duy vô thức nếu được lặp đi lặp lại ý tưởng đó, bằng cách nào đó nó sẽ giúp bạn trở thành người hạnh phúc. Và với những tư duy tích cực của sự hạnh phúc mang lại, bạn sẽ là người khỏe mạnh, thành công và mãn nguyện trong cuộc sống. Những người xung quanh bạn cũng thế. Mình hoàn toàn tin vào điều này.

Nếu bạn hay người thân đang bị bệnh hiểm nghèo, hãy tin tưởng tuyệt đối rằng căn bệnh sẽ được chữa khỏi. Nếu bạn đang già đi, hãy tiếp tục sống như một người trẻ, hãy tiếp tục học thứ mới, tiếp tục cống hiến cho xã hội, bộ não của bạn sẽ tin bạn vẫn còn trẻ và giúp cơ thể bạn tiếp tục duy trì sự khỏe mạnh. Nếu bạn đang kinh doanh bết bát, hãy tin mình sẽ thành công, tin vào những điều tích cực mà doanh nghiệp của bạn sẽ mang lại cho người dùng, cho xã hội. Thành công có thể sẽ đến với bạn, bộ não của sinh vật mạnh nhất trên địa cầu có thể giải bài toán kinh doanh một cách dễ dàng nếu bạn thực sự muốn nó giải giúp. Thậm chí những người buôn bán đa cấp kéo nhau ra phố Nguyễn Huệ để hét lên quyết tâm của họ, cũng vì ai đó xui họ nên khai thác niềm tin mà thôi.

Đa phần những người buông xuôi trước bệnh tật sẽ không thể vượt qua. Những người về hưu, không tiếp tục lao động sẽ nhanh già yếu đi, dễ mắc các căn bệnh hiểm nghèo. Còn các doanh nhân nếu không tin mình sẽ làm được điều gì đó, sẽ phá sản nhanh chóng.

Đây là thứ thật ra không mới, mọi người hay gọi nó là “Sức mạnh tinh thần” nhưng không có sự giải thích chi tiết, nên nhiều người không tin. Hi vọng bài viết này giúp cho nhiều người tin vào nó hơn. Và tin vào nó thì hẳn bạn biết phải làm gì rồi. Niềm tin tích cực có thể là một thứ tài sản quý giá nhất mà sau hằng triệu năm phát triển, loài người mới có được.

Mong sao cho năm 2019, tất cả những người cố công đọc được đến tận đây sẽ duy trì tối đa tư duy tích cực, bắt đầu từ việc tưởng tượng ra những điều tích cực, hình dung những chuyện tích cực, tin vào việc mình sẽ làm được những thứ tích cực và rồi thực sự làm chúng. Bộ não kì diệu của bạn sẽ đem 100% công suất để giúp bạn có được những điều tích cực ấy.

Những điều mình viết trên đây thì liên quan gì đến AI?

Cực kì liên quan. Nếu biết 90% hành vi của mọi người hằng ngày là hành vi vô thức thì các doanh nghiệp muốn ứng dụng AI sẽ hiểu tầm quan trọng của việc thu thập và phân tích các thông tin này của người dùng. Các hành vi vô thức là thứ sẽ giúp mọi người thấu hiểu người dùng và đáp ứng người dùng chính xác hơn rất nhiều. Đó cũng là dạng dữ liệu mà chưa nhiều doanh nghiệp để ý đến.

Năm 2019, công ty Datum.vn – doanh nghiệp chuyên tư vấn ứng dụng AI từ hạ tầng đến phần mềm và cả nhân lực – của InfoRe Technology Group sẽ tập trung tư vấn mảng dữ liệu vô thức, hi vọng sẽ có nhiều khách hàng tiềm năng với suy nghĩ tích cực tìm đến với bọn mình và đạt được nhiều thành công như mọi người kì vọng.

Nguồn FB Lê Công Thành

Để lại một bình luận