Dài quá, không đọc: Đây là bài viết nói về các tác động tiêu cực của Trí tuệ nhân tạo đang tác động lên chính sức khỏe tâm thần của mọi người thông qua các mạng xã hội. Và mình đề xuất một phương pháp để làm giảm các tác động tiêu cực này, đấy là tập Thiền. Mình nghĩ nó có ích cho tất cả những người cảm thấy bản thân bị nghiện MXH và chịu khó đọc đến đây. Các nội dung đề cập có thể hơi kinh dị, khuyến cáo người đọc cân nhắc trước khi ấn “Tiếp tục”.
—
Càng ngày, trí tuệ nhân tạo sẽ càng đi sâu vào cuộc sống của mọi người. Nhưng âm thầm, lặng lẽ, từ từ và đầy khôn ngoan chứ không đột nhiên xuất hiện từ không trung như trong bộ phim The Terminator với những chú người máy sát thủ đi ngược từ tương lai về để đánh nhau. Facebook, YouTube, Google, Instagram… là những thứ đã trở thành một phần cuộc sống của nhiều người, trong đó có mình, đều là những hệ thống được ứng dụng Trí tuệ nhân tạo. Các hệ thống này nhờ thế có khả năng không chỉ kết nối con người với nhau mà còn có thể ứng xử như một người bạn của chính từng người. Nhiều lúc chúng ta chỉ lang thang trên các hệ thống ấy, chẳng có lấy một người bạn thực sự nào để trò chuyện, chỉ lặng lẽ quan sát thông tin và tương tác với người bạn ảo: trí tuệ nhân tạo. Anh bạn ảo ấy cứ giữ chúng ta lại, không cho chúng ta làm việc gì khác bằng cách liên tục mời chúng ta xem các thông tin thú vị, các thông tin từ “người thật” tạo ra.
Nhắc đến phim, hôm qua mình nghĩ tới một kịch bản kinh dị trong đầu về chủ đề Trí tuệ nhân tạo. Một anh chàng thức dậy ở một bệnh viện xa xôi, không nhớ chuyện gì vừa xảy ra với mình. Người ta bảo anh mới bị tai nạn và cần ở lại vùng đất mới này để điều trị theo phương pháp hiện đại. Mỗi tuần anh ta phải ghé bệnh viện 2 lần để kiểm tra. Người ta cấp cho anh một công việc mới theo đúng chuyên môn lập trình phần mềm, ở một công ty phần mềm cũng toàn những người lập trình ở xa đến chữa bệnh giống anh. Mọi người trong công ty hằng ngày nhắn tin, gọi điện cho người thân, bạn bè ở xa trò chuyện rất vui vẻ. Họ cập nhật tình hình chữa bệnh, trao đổi với nhau các thông tin về gia đình hằng ngày, xây dựng các quan hệ xã hội mới và sống có vẻ rất hạnh phúc. Anh chàng này quen một cô gái cùng công ty và hai người định gắn bó lâu dài. Bỗng một ngày, anh ta phát hiện ra có điều gì đấy không ổn với một trong số những người thân của mình khi nói chuyện qua Facetime. Cố khám phá, cặp đôi nhận ra người thân của họ đều đã qua đời sau những vụ khủng bố thảm khốc và người ta quyết định sử dụng cách điều trị tâm lí nhân đạo là dùng Trí tuệ nhân tạo để đánh lừa họ mỗi ngày rằng những người thân yêu kia vẫn còn sống, tránh cho họ bị sốc tâm lí quá mức. Những hình ảnh, nội dung họ trao đổi hằng ngày với người thân thật ra hoàn toàn do máy tính tạo dựng mà thôi. Cô gái đau khổ quá, tự tử. Chàng trai lững thững đi ra biển, nhìn vô định về phía chân trời… Ai biết đạo diễn trẻ nào muốn khai thác kịch bản này thì giới thiệu cho mình nhé hihi.
Câu chuyện trên nghe rất hoang đường nhưng với công nghệ của Trí tuệ nhân tạo hiện đại, trong vòng 10 năm tới người ta có thể biến nó thành hiện thực. Khi con người có khả năng làm những chuyện như vậy, nhiều thứ còn hoang đường hơn gấp nhiều lần cũng có thể xảy ra. Chẳng phải chính rất nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, hằng ngày cũng đang xa rời những người thân yêu và sống với những “con trí tuệ nhân tạo” nhiều hơn đấy hay sao. Cứ thử mở điện thoại ra xem thời lượng pin bạn dành cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sẽ thấy rõ điều này.
Cách đây khoảng một giờ đồng hồ, tờ The Economist vừa chia sẻ một bài báo đề cập tới mối liên hệ của việc lạm dụng Mạng xã hội và các vấn đề về bệnh thần kinh. Các khảo sát được nêu ra trong bài báo cho thấy rất nhiều những người sử dụng Mạng xã hội quá mức, bên cạnh lợi ích về xây dựng hình ảnh và quan hệ xã hội, gặp phải các ảnh hưởng về tâm thần. Mất ngủ, gặp hội chứng “Hoảng sợ bị bỏ lại” khiến liên tục phải lên MXH để cập nhật thông tin mới, ám ảnh về hình ảnh của cơ thể mình, bồn chồn, sợ hãi, lo âu nhiều hơn, bị stress ngày càng nặng và có cảm giác cô đơn thường trực, dù có hằng nghìn người bạn trên mạng… là những thứ nhiều người gặp phải nhất khi dùng MXH quá nhiều.
Mạng xã hội nhẽ ra đã không thể thu hút người ta đến vậy, nếu như không có Trí tuệ nhân tạo. Tất cả các tính năng hay ho, thú vị, có khả năng cá nhân hóa cao độ, đáp ứng nhu cầu, sở thích, mong muốn riêng tư của từng người một đều được vận hành bởi Trí tuệ nhân tạo. Xin đừng trách những người tạo ra Trí tuệ nhân tạo vì chính họ cũng không thể nào biết được những thứ họ tạo ra sẽ dẫn tới đâu. Nhưng chính họ cũng tìm cách phòng tránh cho những người mà họ yêu thương (xin mời xem bức ảnh số 2).
Đối với những người yêu thích triết học thì việc này chẳng có gì mới. Các nhà triết học đã đoán trước được việc này từ cách đây hằng nghìn năm. Thứ chúng ta đang gặp phải là một cuộc cách mạng nơi mà thế giới tâm linh trước đây chỉ tồn tại trong đầu óc của từng người bắt đầu được phơi bày ra và kết nối lại với nhau thông qua máy tính. Thế giới này thú vị tới mức mỗi người dễ có cảm giác mình là Alice in wonderland, luôn muốn lao vào để tận hưởng những điều mới lạ. Và vì mọi cuộc cách mạng nếu diễn biến quá nhanh đều sẽ gây tổn thương cho rất nhiều cá thể nằm trong vòng xoáy của nó nên việc cuộc cách mạng của mental worlds lần này gây ra mental illness cho mọi người là đều dễ hiểu. Những con người tinh hoa của nhân loại hiểu được điều này, đo đó họ cổ vũ mọi người tham gia vào các phong trào thể dục thể thao, không chỉ nhằm “khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc” mà còn chính là để con người giữ được mối cân bằng giữa thể chất và tâm hồn của mình. Nếu không mọi chuyện trong phim The Matrix sẽ xảy ra, nơi mà loài người không còn dùng cơ thể mình để tương tác với nhau nữa mà hoàn toàn chỉ sử dụng sự tưởng tượng trong đầu.
Bệnh tâm thần là một thứ rất khó chữa vì hiểu biết về bộ não của con người vẫn cực kì nhỏ nhoi. Kể cả có tập luyện thể dục thể thao rất thường xuyên, người ta cũng chưa chắc đã tránh được những thứ kì quặc xảy ra trong đầu mình. Rất may, từ hằng nghìn năm trước con người đã phát hiện ra một thứ thú vị để rèn luyện cho tâm hồn của mình. Đấy là thiền.
Mỗi người có thể mô tả thiền theo một cách khác nhau. Nào là tập thể dục cho bộ não, cởi bỏ tâm trí, quan sát hơi thở, rèn luyện khả năng tập trung, rèn luyện cách nghĩ về các suy nghĩ vv… Khó mà mô tả được nó chính xác vì mỗi người đến với thiền ở một tâm thế khác nhau, đạt đến các mức thiền định khác nhau và bản chất cũng vẫn chỉ là các controlled hallucination mà thôi (xin search bài nói chuyện về controlled hallucination trên YouTube của giáo sư Anil Seth). Nhưng tập thiền giúp chúng ta kiểm soát tâm trí của mình. Trước đây tâm trí làm chủ cơ thể và các phản ứng của ta với xã hội thì tập thiền có thể giúp tạo ra một mức khác của tâm trí giúp tiến tới làm chủ chính thứ tâm trí đang kiểm soát cơ thể. Nhờ thế, mọi người có thể khỏe mạnh hơn trước những tác động tiêu cực của Trí tuệ nhân tạo.
Một số môn thể thao, ví dụ như chạy bộ, chính là một hình thức thiền. Nếu ai không muốn ngồi một chỗ nhắm mắt và chân không bị đứt dây chằng như mình thì nên đi chạy bộ.
Hà Nội, mùa đông, ngày chủ nhật cuối cùng của năm 2018
Nguồn FB Lê Công Thành