Tại tọa đàm “Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa – Thuận lợi và thách thức” chiều 5/3 ở Hà Nội, vấn đề tăng giá sách giáo khoa mới được đặt ra.
Ông Ngô Trần Ái, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam, cho biết giữa tháng 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 115 gửi Chính phủ, Bộ Tài chính, kiến nghị giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới phải không vượt mức giá của bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường trong năm học 2019-2020.
Ngày 20/2, Bộ Tài chính ra văn bản gửi các nhà xuất bản với đề xuất tương tự. Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản tham gia biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa mới phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh, xác định giá sách giáo khoa đảm bảo nguyên tắc cân đối hài hòa giữa lợi ích kinh tế doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội.
Ông Ái phân tích, cả năm bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được phê duyệt đều có hình thức đẹp, bắt mắt, khổ sách mới lớn hơn, giấy dày, màu đẹp, số lượng trang cũng nhiều hơn so với sách cũ nên khó có thể giữ mức giá cũ.
“Tôi hiểu làm sách giáo khoa không được lãi nhiều vì tác động đến hơn 20 triệu học sinh, nhưng nhà xuất bản, đơn vị phát hành cũng cần bảo toàn được vốn. Lỗ thì làm sao làm tiếp được”, ông Ái nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học – giáo dục Đại học Thành Đông (Hải Dương), cho rằng sách giáo khoa quan trọng ở nội dung, hình thức không nên quá cầu kỳ trong bối cảnh đất nước còn nghèo. Các nhà xuất bản cần chú ý in ấn sao cho giá cả đảm bảo lợi ích của mình, nhưng cần phù hợp với thu nhập bình quân của người dân.
Tương tự ông Long, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, nhấn mạnh cần hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người cung cấp sách giáo khoa và nhu cầu người sử dụng. Phía đơn vị cung cấp sách giáo khoa cần có định hướng của nhà nước.
“Nếu giá không muốn vượt quá giá hiện hành thì sự đầu tư cho sách ở chừng mực nào thôi. Nội dung, trí tuệ hội tụ bên trong mới là quan trọng. Doanh nghiệp cần làm sao để thích ứng với thị trường. Nếu giá thành quá cao so với thu nhập của người dân hiện tại thì rất khó”, bà Minh nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời là tổng chủ biên một cuốn sách Tiếng Việt mới, cho rằng không thể vì giá thành mà giảm chất lượng về mặt hình thức.
“Theo quan niệm mới, những hình trong sách không phải là minh họa mà là công cụ để học. Vì vậy thiết kế buộc phải có màu, dù là môn Mỹ thuật, Toán hay Tiếng Việt cũng cần thiết”, ông Thuyết nói.
Theo ông Thuyết, giá cả là một trong những yếu tố để phụ huynh lựa chọn sách giáo khoa nên các nhà xuất bản cần tính toán kỹ lưỡng. “Giá sách lên 200.000 hay 250.000 đồng một bộ cũng không phải quá cao so với chi tiêu của một gia đình. Học sinh khó khăn từ trước đến nay vẫn có chính sách hỗ trợ. Dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 4 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới để hỗ trợ vùng khó khăn”, ông Thuyết thông tin.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng Bộ cần thành lập hội đồng thẩm định giá trên tinh thần “tiền nào của nấy” thay vì chỉ thẩm định nội dung, hình thức sách giáo khoa như hiện nay. Giá cả của sách sẽ do thị trường điều tiết, chứ không thể nói bộ sách này không được phép quá giá của bộ sách đã phát hành cách đây nhiều năm.
Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nêu rõ chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Tháng 12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới với chương trình tổng thể và chi tiết 27 môn học. Các nhà xuất bản căn cứ vào đó để biên soạn sách giáo khoa, trình hội đồng thẩm định.
Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 cả nước sẽ học sách giáo khoa mới do hiệu trưởng các trường lựa chọn trong số sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Hiện học sinh cả nước dùng một bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số sách Công nghệ giáo dục tiểu học của GS Hồ Ngọc Đại.