Tròn 10 năm trở thành đô thị loại I; 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 5260/QĐ-UBND năm 2013 của UBND tỉnh Nghệ An, diện mạo thành phố Vinh đã có nhiều thay đổi vượt bậc.
Những dự án hạ tầng quy mô đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt và cải thiện đáng kể chất lượng sống của người dân. Hàng loạt khu đô thị tầm vóc đã và đang hình thành để biến nơi đây trở thành một thành phố đáng sống của miền Trung.
Sức bật hạ tầng
Những năm qua, thành phố Vinh đã tích cực đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phục vụ từ thu hút đầu tư của thành phố, của tỉnh và nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị. Nhiều tuyến đường giao thông mới được mở ra, nâng cấp, cải tạo như đường tránh Vinh, Lê Mao kéo dài, đường Lý Thường Kiệt, Trương Văn Lĩnh, đường Namyangju Dasan do Hàn Quốc tài trợ, đường du lịch ven sông Vinh, đường Lệ Ninh; hoàn thành 2 cầu vượt đường sắt Cửa Nam, Quán Bánh. Rồi hệ thống đường trong các khu tái định cư, hệ thống đường nông thôn mới ở các xã ngoại thành… Đặc biệt, việc phát triển cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn (Lào) là cở hội lớn để thành phố Vinh trở thành trung tâm phát triển của khu vực miền Trung, nơi đòn gánh của hai đầu đất nước.
Bên cạnh đó, triển khai dự án thoát nước và nước thải cho thành phố, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự kiến khởi công vào năm 2019, triển khai cải tạo các khu chung cư Quang Trung, thu hút đầu tư xây dựng các tòa nhà của Eurowindow, T&T, Trung Đức, Tecco, Mường Thanh, các dự án khu đô thị mới Vinh Tân, dọc đường Lê Nin… tạo điểm nhấn hấp dẫn.
Thành phố cũng tổ chức công bố điều chỉnh Quy hoạch chung của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Hiện đang triển khai quy hoạch phân khu chi tiết 1/500 các phường, xã theo quy hoạch chung. Đại lộ Vinh – Cửa Lò, đường 72m Vinh đi Hưng Tây… đang tích cực thi công khẩn trương.
Hệ thống giao thông liên hoàn từ Khu công nghiệp và đô thị VSIP kết nối với đường tránh Vinh, Quốc lộ 46 nối đường ven sông Lam… tạo cho quỹ đất thành phố Vinh ngày một mở rộng và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đối với đại lộ Vinh – Cửa Lò hiện đang tốc lực giải phóng mặt bằng thì đây được coi là đại lộ hiện đại và “lãng mạn” của Việt Nam và đang được nhà đầu tư BRG quy hoạch. Với trục đô thị này, dự kiến sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư hấp dẫn, tuy nhiên điều quan trọng là cần thu hút được các dự án đúng tầm, phù hợp.
Hướng tới đô thị phát triển bền vững
Sự nở rộ của các công trình hạ tầng tầm vóc đã kéo theo hàng loạt quy hoạch đô thị lớn cho thành phố Vinh. Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến đó là Tiểu Dự án đô thị Vinh do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ có tổng mức đầu tư 168,484 triệu USD, bao gồm 4 hợp phần. Trong đó, hồ điều hòa là một hạng mục của dự án, hiện đang trong giai đoạn hoàn thành. Với diện tích rộng 53ha, hồ giáp ranh với 2 xã Hưng Hòa, Hưng Lộc và phường Hưng Dũng, tạo nên một không gian sinh thái rộng lớn cho thành phố về phía Đông.
Sau gần 2 năm thi công khẩn trương, những đầm thủy sản lầy lội trước đây đã thay bằng dáng vóc một hồ lớn chứa nước ngọt được kè bờ đá và có đường du lịch dạo bộ xung quanh. Hồ có chức năng điều tiết nước trong mùa mưa lũ tương ứng với lưu vực phục vụ, phù hợp với quy hoạch và điều kiện hiện trạng của thành phố khi nước đang chảy tự do về đây trước khi đổ ra sông.
Theo quy hoạch điều chỉnh thành phố Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch chi tiết các xã Hưng Lộc, Hưng Hòa và phường Hưng Dũng, hồ điều hòa được quy hoạch là nguồn tiếp nhận và điều hòa nước mưa cho lưu vực kênh Bắc nói riêng và phía Bắc thành phố Vinh nói chung để thoát nước ra sông Rào Đừng đổ ra sông Lam.
Việc hoàn thành hồ điều hòa kết nối với đường 35m nối từ Quốc lộ 46 đến đường ven sông Lam đã tạo nên một quỹ đất rộng lớn để thu hút đầu tư các dự án thương mại, du lịch.
Chủ tịch UBND thành phố Vinh, ông Nguyễn Hoài An chia sẻ: Sau khi dự án WB của thành phố hoàn thành, khu vực phía Đông Bắc của thành phố sẽ phát triển hơn bởi hạ tầng, giao thông rất thuận tiện. Khu vực hồ điều hòa sẽ có thêm không gian rộng thoáng như Hồ Tây của Hà Nội, có nhiều cây xanh. Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư tên tuổi như Hà Thành, Việt Lào, Trường Thịnh Phát, Thuận An, FLC, T&T… vào đây tìm kiếm cơ hội đầu tư. Riêng FLC đã có khảo sát đầu tư dự án nghỉ dưỡng tại đây với tổng đầu tư 5.000 tỷ đồng. Dự án du lịch sinh thái của T&T có hệ thống cáp treo ra bãi nổi Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng đã được phê duyệt và sắp được triển khai…
Thành phố Vinh cũng đã có quy hoạch của Nhật Bản xây dựng cho thành phố nói chung và khu vực này nói riêng. Đây thực sự là khu vực hấp dẫn của thành phố trong tương lai nhất là mở mang phát triển dịch vụ, giải trí, khoa học công nghệ, nông nghiệp sạch…
Song song với phát triển hạ tầng đô thị, công tác bảo vệ môi trường luôn được coi trọng trong định hướng phát triển bền vững. Đến nay 100% dân cư thành phố được sử dụng nước sạch, 86% dân số dùng nước máy, 100% các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải tập trung..
Sự xuất hiện của những khu đô thị lớn, mở ra hướng đi mới cho quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng bài bản và thông minh hơn. Xu hướng này đang trở thành chủ đạo, phá bỏ cách làm dự án manh mún truyền thống. Những khu đô thị rộng lớn, sầm uất và hiện đại tích hợp với các dự án hạ tầng đang thay đổi diện mạo của thành phố Vinh, tạo sức bật, sự hứng khởi lớn đưa thành phố Vinh không chỉ là đầu tàu của Nghệ An mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của vùng Bắc Trung bộ.
Nhadautu.vn