TP HCM ủng hộ mở rộng cao tốc Long Thành

Chính quyền cho rằng mở rộng cao tốc nối TP HCM với Đồng Nai rất cần thiết, giúp kết nối vùng và đồng bộ với kế hoạch xây sân bay Long Thành.

Quan điểm được nêu trong văn bản khẩn gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 10/6, sau khi TP HCM được hỏi ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch và phương án mở rộng tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Theo UBND thành phố, quy mô mở rộng tuyến cao tốc cần được khảo sát và đánh giá kỹ, căn cứ trên nhu cầu giao thông thực tế; đồng thời xem xét việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Long Thành – Thủ Thiêm trong thời gian tới cũng như bảo đảm hành lang an toàn tuyến cao tốc.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được thông xe vào tháng 2/2015. Ảnh: Quỳnh Trần
Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây thông xe vào tháng 2/2015. Ảnh: Quỳnh Trần.

Để cao tốc kết nối tốt với các tuyến đường trên địa bàn, TP HCM đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh nút giao An Phú (quận 2) đồng bộ với quy mô của cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây sau khi mở rộng. Hiện, thành phố hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư giai đoạn một bằng ngân sách đối với nút giao này.

Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung nút giao thông kết nối cao tốc với đường Long Phước (quận 9) tạo động lực phát triển ở địa phương này cũng như Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố và phát huy hiệu quả dự án đường cao tốc.

Về công tác giải phóng mặt bằng, thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án tổ chức bồi thường, hỗ trợ tái định cư một lần theo đúng lộ giới quy hoạch cao tốc, tránh gây xáo trộn nhiều đến các hộ dân.

Hồi tháng 5, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng cho mở rộng đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10-12 làn xe vì tuyến đường này ở trong tình trạng quá tải, còn quốc lộ 51 đến TP HCM luôn kẹt xe giờ cao điểm và lễ, tết. Việc mở thêm làn nhằm đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào khai thác.

Thông xe đầu năm 2015, cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km với 4 làn xe, có tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng. Tuyến đường này giúp rút ngắn khoảng cách từ TP HCM tới Vũng Tàu rất nhiều so với trước. Tốc độ cho phép cao nhất trên cao tốc là 120 km/h, thấp nhất 80 km/h.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (đơn vị quản lý tuyến cao tốc), số ôtô chạy qua tuyến đường ngày cuối tuần lên đến 40.000 – 43.000 lượt xe, ngày lễ và tết 60.000 lượt xe.

Lượng xe tăng cao vượt năng lực vận chuyển tuyến cao tốc dẫn đến tình trạng ùn ứ thường xuyên tại các khu vực: trạm Long Phước, nhánh D – quốc lộ 50, trạm Dầu Giây, các tuyến nối vào quốc lộ 51, đường Mai Chí Thọ, Võ Chí Công.

Hữu Công – Vnexpress