Mỹ đang chạy đua với thời gian để đưa ra mô hình dự báo tương đối nhất về dịch COVID-19, cụ thể là những tổn thất, hỗn loạn nó có thể gây ra trong xã hội.
Thời gian không còn nhiều, nếu so sánh với dữ liệu của Ý, Mỹ đang có tốc độ lây nhiễm tương đương và chỉ đi sau tâm dịch châu Âu này khoảng 10 ngày, đến hôm qua Mỹ đã có 217 người chết vì virus corona.
Đại dịch không chỉ là hữu hình, nó còn mang theo một cái bóng gọi là đại dịch tâm lý và tổn thương xã hội.
Bà Monica Schoch-Spana (nhà nhân chủng học y tế)
Cảnh báo với ông Trump
Đầu tuần này đánh dấu một thay đổi lớn trong quan điểm chống dịch của Tổng thống Donald Trump. Từ chỗ khuyến khích người dân “tiếp tục cuộc sống bình thường”, ông chuyển sang kêu gọi họ làm việc tại nhà, không tụ tập quá 10 người…
Ông còn yêu cầu chính quyền các địa phương đóng cửa trường học, quán bar, nhà hàng… để giảm nguy cơ lây nhiễm. Ở các nước phương Tây như Mỹ, người dân coi trọng tự do và riêng tư, nên có thể nói đưa ra những khuyến cáo như thế không đơn giản với ông Trump.
Theo báo Washington Post, nguồn cơn sự thay đổi bất thình lình của ông Trump là một báo cáo khoa học gửi cho Nhà Trắng từ nước Anh.
Trong nội dung, các nhà dịch tễ học xứ sương mù đã nói thẳng với nhà lãnh đạo Mỹ rằng corona là con virus đường hô hấp nguy hiểm nhất thế giới từng chứng kiến kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Dựa trên mô hình tính toán, nhóm nghiên cứu COVID-19 của Trường Imperial College London dự đoán nếu nước Mỹ không hành động để làm chậm tốc độ lây lan của virus, khoảng 2,2 triệu người có thể chết trong trận dịch lần này.
Chưa dừng lại ở đó, nhà dịch tễ học Neil Ferguson, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích ngay cả khi Mỹ áp dụng các chiến lược như cách ly người nghi nhiễm, bảo vệ người lớn tuổi… con số tử vong chỉ có thể giảm một nửa, xuống còn 1,1 triệu người, mặc dù nó cũng giúp giảm tải cho hệ thống y tế khoảng 2/3.
Báo cáo của Anh nhấn mạnh các biện pháp ngăn dịch quyết liệt phải được duy trì trong một thời gian dài, cho dù là ngắt quãng, cho đến khi khoa học tìm ra văcxin ngừa COVID-19, và quá trình này có thể mất từ 12-18 tháng trong điều kiện tốt nhất.
Tránh vết xe đổ của Ý, Vũ Hán
Sáng 17-3, thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, thông báo số ca nhiễm ở bang này khả năng sẽ đạt đỉnh trong 45 ngày nữa, tức vào khoảng đầu tháng 5.
Bang New York có chừng 53.000 giường bệnh, bao gồm 3.000 giường chăm sóc đặc biệt (ICU), bấy nhiêu chỉ đáp ứng được 1/2 bệnh nhân, riêng ICU cần gấp… 11 lần số thực tế.
Một ngày trước thông báo, Northwell Health – hệ thống bệnh viện lớn nhất bang New York – đã hủy toàn bộ các cuộc phẫu thuật theo yêu cầu để giải phóng thêm giường bệnh và bác sĩ.
“Chúng tôi đang nhìn vào nước Ý, họ đi trước chúng tôi khoảng 10 ngày và đó là những gì họ làm” – bác sĩ Maria Carney, trưởng khoa lão của Northwell Health, cho hay.
Một lý do khiến bà Carney và các bác sĩ Mỹ lo lắng: Ở Trung Quốc, tỉ lệ tử vong tại tâm dịch Vũ Hán là 5,8%, nhưng các vùng khác trên cả nước chỉ khoảng 0,7%. Đây là dấu hiệu cho thấy nhiều cái chết xảy ra do hệ thống y tế bị quá tải.
Theo bác sĩ Carney, các bệnh viện Mỹ trong điều kiện bình thường có nơi đã chạy đến 95% công suất, nếu bệnh nhân COViD-19 tràn vào thì xem như “vỡ trận”.
Đó là chưa kể tính đến đầu tuần này, đã có 18 nhân viên y tế của Northwell bị nhiễm virus corona, và thêm 200 người khác phải tự cách ly tại nhà do phơi nhiễm.
Theo PHÚC LONG – Tuổi Trẻ