Tổng thống Biden: ‘Quân đội Myanmar phải từ bỏ quyền lực, Mỹ đang xem xét lệnh trừng phạt’

Đáng chú ý, ông Biden cũng tuyên bố Washington đang “ghi chú lại những ai đang sát cánh cùng người dân Myanmar trong giờ phút khó khăn này”. Trước khi được Nhà Trắng giải thích lại, nhiều người đã hiểu đây là thông điệp tới Trung Quốc.
Tổng thống Biden: Quân đội Myanmar phải từ bỏ quyền lực, Mỹ đang xem xét lệnh trừng phạt - Ảnh 1.
Cuộc chính biến ở Myanmar được xem là phép thử đối với các cam kết tập hợp đồng minh của Tổng thống Biden, theo Reuters – Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố được phát ngày 1-2 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi vụ quân đội Myanmar bắt giữ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi là “một cuộc tấn công trực diện vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền” của Myanmar.

Cuộc đảo chính không tiếng súng ở Myanmar là thử thách lớn đầu tiên của chính quyền Biden. Tân tổng thống cam kết sẽ phối hợp nhiều hơn với các đồng minh trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Hãng tin Reuters nhận định điều này lý giải vì sao khi cuộc chính biến ở Myanmar nổ ra ngày 1-2, nhiều người đã nhìn về Washington.

“Cộng đồng quốc tế nên cùng nhau lên tiếng để thúc giục quân đội Miến Điện (tên cũ của Myanmar – PV) từ bỏ ngay quyền lực mà họ đang nắm giữ, trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức mà họ đã giam giữ”, Tổng thống Biden kêu gọi.

Nhà lãnh đạo Mỹ kế đó đề nghị quân đội Myanmar dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với viễn thông và kiềm chế bạo lực đối với dân thường.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình trong khu vực và trên thế giới để hỗ trợ khôi phục dân chủ và pháp quyền, cũng như buộc những người làm đảo lộn quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar phải chịu trách nhiệm”, ông Biden tuyên bố.

Tuyên bố cũng để ngỏ khả năng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Myanmar. Theo đó, Mỹ sẽ ngay lập tức xem xét các đạo luật và chế tài trừng phạt trước khi đưa ra “các hành động phù hợp”. 

Đáng chú ý, ông Biden cũng tuyên bố Washington đang “ghi chú lại những ai đang sát cánh cùng người dân Myanmar trong giờ phút khó khăn này”.

Khi được hỏi liệu đây có phải là một thông điệp tới Trung Quốc, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki giải thích “đây là thông điệp tới tất cả các nước trong khu vực”.

Cũng trong cuộc họp báo ngày 1-2, bà Psaki từ chối xác nhận Mỹ sẽ có các hành động khác ngoài trừng phạt. Bà này cũng đồng thời cho biết Mỹ đã có cuộc trao đổi “sâu rộng” với các đồng minh về tình hình ở Myanmar.

Áp lực phải cứng rắn 

Tổng thống Biden: Quân đội Myanmar phải từ bỏ quyền lực, Mỹ đang xem xét lệnh trừng phạt - Ảnh 2.

Theo Reuters, cuộc chính biến ở Myanmar đã khiến nhiều người trong chính quyền Biden có quan hệ mật thiết với bà San Suu Kyi trong quá khứ bị sốc. Nhiều nghị sĩ đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Biden quyết đoán trước tình hình ở Myanmar.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên tiết lộ chính quyền ông Biden đã tiến hành các cuộc thảo luận nội bộ cấp cao, nhắm tới một phản ứng mạnh mẽ “toàn chính phủ” đối với cuộc đảo chính ở Myanmar. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Mỹ trước khi hành động.

Thượng nghị sĩ Robert Menendez, một thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ngày 1-2 đã lên tiếng cáo buộc quân đội Myanmar phạm tội “diệt chủng” với người Rohingya.

Ông kêu gọi Mỹ và các quốc gia khác “áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn, cũng như các biện pháp khác” đối với quân đội Myanmar và giới lãnh đạo quân sự nếu họ không trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân cử.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, gọi vụ bắt giữ bà San Suu Kyi là “kinh hoàng” và yêu cầu một phản ứng cứng rắn của chính phủ. Ông McConnell nhấn mạnh Washington cần buộc những người đứng sau cuộc đảo chính “trả giá”.

“Chính quyền Biden phải có lập trường mạnh mẽ. Các đối tác của Mỹ cũng như tất cả các nền dân chủ trên thế giới nên cùng lên án cuộc tấn công vào nền dân chủ ở Myanmar”.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại thượng viện, thượng nghị sĩ Chuck Schumer, cho biết Quốc hội Mỹ đã nhận được báo cáo tóm tắt của chính phủ về tình hình Myanmar. Ông Schumer khẳng định Thượng viện Mỹ sẵn sàng phối hợp với chính phủ để cùng tìm ra đối sách “vừa đảm bảo lợi ích cho cả Mỹ và nhân dân Myanmar”.

Trong diễn biến khác có liên quan, Hội đồng Bảo an Liên HIệp Quốc (LHQ) gồm 15 thành viên sẽ họp kín trong ngày 2-2 để thảo luận về tình hình Myanmar.

“Chúng tôi muốn giải quyết các mối đe dọa lâu dài đối với hòa bình và an ninh, tất nhiên có tính đến việc hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng của Myanmar ở châu Á và ASEAN”, Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward lưu ý. Anh sẽ giữ ghế chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 2 này.

Theo BẢO DUY – Tuổi Trẻ