Tiêu chuẩn Ban chấp hành Trung ương khóa mới

Ban chấp hành Trung ương khoá XIII cần có 3 độ tuổi, dưới 50, từ 50 đến 60 tuổi và từ 61 tuổi trở lên.

Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) chiều 14/5, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư (khóa mới) ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ chính trị cân nhắc, trình Ban chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.

Hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) diễn ra từ ngày 11 đến 14/5, đã nhất trí việc xác định tiêu chuẩn Uỷ viên ban chấp hành Trung ương khoá XIII “phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ”. Trong đó đặc biệt chú trọng một số vấn đề, như “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”…

Ủy viên Trung ương phải có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng; không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực; đồng thời, có trí tuệ, tầm nhìn, trình độ để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Trung ương.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTX
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTX

Uỷ viên Bộ chính trị, Ban bí thư phải là những người “thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật”.

Tổng bí thư cũng nêu rõ tiêu chuẩn của Ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư là “có tầm nhìn và tư duy chiến lược, khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài”.

Ngoài ra, Ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư phải là Uỷ viên chính thức Ban chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khoẻ để đảm đương nhiệm vụ.

Đại biểu tham dự hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) biểu quyết chiều 14/5. Ảnh: VGP
Đại biểu tham dự hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) biểu quyết chiều 14/5. Ảnh: VGP

Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban chấp hành Trung ương khoá XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; tăng cường số lượng Uỷ viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; chú ý tăng thêm tỉ lệ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số.

Hội nghị lần này đã nhất trí “kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương” những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị…

Cán bộ bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; uy tín thấp; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…, cũng thuộc diện “không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương”.

Về phương pháp và quy trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban chấp hành Trung ương khoá XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết “phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, trên cơ sở quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và kết quả giới thiệu tín nhiệm cao của Trung ương, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước”.

Ông yêu cầu các Uỷ viên Trung ương “gương mẫu” trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự khóa mới; kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, vận động cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm…; đồng thời, “cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch tìm cách phá hoại, chia rẽ, gây rối nội bộ”.

Hội nghị lần này đã đồng tình về cơ bản với tờ trình của Đảng đoàn Quốc hội về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ tới.

Theo đó, lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu là ưu tiên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Đối với các trường hợp tự ứng cử “phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật”; quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng “vận động” không lành mạnh.

Tại hội nghị, Trung ương tán thành báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Bộ chính trị, Ban bí thư năm 2019; khẳng định, Bộ chính trị, Ban bí thư là “một tập thể lãnh đạo đoàn kết, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia…”.

Trong phát biểu bế mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị đã ghi phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Bộ chính trị, Ban bí thư khoá XIII theo đúng quy định của Đảng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII dự kiến tổ chức vào quý I/2021. Sau đó, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 dự kiến là Chủ nhật, 23/5/2021.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tháng 1/2016, lãnh đạo Văn phòng Trung ương cho hay các Ủy viên Trung ương khoá XI được giới thiệu tái cử phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn là không quá 60 tuổi; Ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư khóa XI tái cử không quá 65 tuổi.

Ngoài tiêu chuẩn trên, Trung ương khoá XI đã giới thiệu năm nhân sự là trường hợp đặc biệt – quá tuổi tái cử theo quy định, nhưng vẫn được giới thiệu để cơ cấu vào khóa mới.

Trong đó một nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bốn nhân sự ủy viên Trung ương, gồm ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Công an; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (hiện là Phó chủ tịch Quốc hội) và ông Huỳnh Phong Tranh, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ (được giới thiệu nhưng không trúng cử).

Hoàng Thùy – Vnexpress