Không quân Ấn Độ (IAF) tuần trước phát hiện nhiều trực thăng quân sự Trung Quốc hoạt động gần Đường kiểm soát thực tế (LAC), ranh giới giữa hai nước ở vùng Ladakh, phía bắc Ấn Độ. Đến ngày 12/5, trực thăng quân sự Trung Quốc xuất hiện lần ba ở khu vực này chỉ trong một tuần.
Không quân Ấn Độ đáp trả bằng việc triển khai biên đội hai tiêm kích Su-30MKI bay tuần tra ở khu vực biên giới để răn đe Trung Quốc. IAF khẳng định trực thăng Trung Quốc “chưa xâm phạm không phận Ấn Độ”, nguồn tin giấu tên tại New Delhi cho biết.
Căng thẳng tại biên giới Trung – Ấn leo thang từ tuần trước khi hai bên triển khai hàng trăm binh sĩ được trang bị đầy đủ đến khu vực biên giới ở vùng Ladakh suốt hơn một tuần qua. Hôm 5/5, khoảng 150 binh sĩ hai bên đã ném đá và ẩu đả khiến nhiều người bị thương tại khu vực.
Các nguồn tin Ấn Độ cho biết hơn 1.200 lính Trung Quốc đang tập kết ở tuyến sau, sẵn sàng chi viện cho lực lượng ở biên giới. Tuy nhiên, giữa hai bên chưa xảy ra vụ đụng độ quân sự nào. Đây là lần đầu tiên hai nước xảy ra căng thẳng tại biên giới kể từ sau cuộc đối đầu tại khu vực Doklam hồi năm 2017.
Không quân Ấn Độ không bình luận về thông tin, do động thái điều chuyển biên đội Su-30MKI không phù hợp với thỏa thuận song phương về kiểm soát tuyến biên giới giữa nước này và Trung Quốc.
“Chúng tôi hy vọng Ấn Độ sẽ phối hợp với Trung Quốc để duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới bằng những hành động cụ thể”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo hồi đầu tuần.
Căng thẳng Trung – Ấn từng bùng lên hồi giữa tháng 6/2017, khi quân đội Trung Quốc điều công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.
Sau khi Ấn Độ triển khai vài trăm binh sĩ tới đây, Bắc Kinh cho rằng New Delhi phải rút quân vô điều kiện và ngay lập tức khỏi Doklam để giải quyết tình trạng đối đầu. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tuyên bố điều kiện cho bất cứ cuộc đàm phán nào là cả hai bên đều phải cùng rút quân.
Lãnh đạo hai nước đạt được thỏa thuận rút quân nhằm hạ nhiệt căng thẳng vào tháng 8, chấm dứt 73 ngày đối đầu tại Doklam.
Vũ Anh (Theo Sputnik) – Vnexpress