– Gần một tuần đi cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở miền Trung, điều gì khiến chị ám ảnh?
– Lúc ở nhà, tôi xem những hình ảnh lũ lụt qua báo đài đã thấy khủng khiếp lắm rồi nhưng đến tận nơi mới thấy còn nhiều điều khủng khiếp hơn. Tôi ám ảnh mãi cảnh nước dâng lên quá lớn còn người dân vứt bỏ hết của cải để giữ mạng rồi hoảng loạn vì nhận ra mình đã mất hết tất cả. Chứng kiến điều đó, tôi thấy thương xót vô cùng và nhận ra sự giúp đỡ của mình có thể là một tia hy vọng cho họ.
Ở những nơi tôi đi qua, người dân không hẳn bị đói vì làng xóm có chia sẻ cho nhau, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ để người dân cầm cự đến khi nước rút. Lũ đến vài ngày là rút nhưng mang theo tất cả nhà cửa, tài sản. Cái đói không làm người ta sợ mà cảm giác mất hết tất cả mới khiến người ta hoảng loạn. Nghe mọi người tâm sự, tôi không cầm được nước mắt. Có mặt ở đó, an ủi được mọi người khiến tôi thấy hạnh phúc. Ai cũng vậy thôi, khi sắp chết đuối mà được đưa cho cái phao thì ít nhất cũng yên tâm là mình sẽ không chết.
– Thế còn những nguy hiểm trên đường đi thì sao?
– Trong gần một tuần ở miền Trung, tôi nhiều lần gặp nguy hiểm suýt chết vì nước lớn, sóng cao, lật thuyền. Tôi không biết diễn tả cảm xúc lúc đó ra sao nhưng chắc ai cũng như ai, mặt không còn miếng máu nào. Thế nhưng, tôi vẫn cứ nhớ mãi câu mẹ hay nói, nếu mình làm việc tốt thì Trời Phật sẽ phù hộ, bảo vệ. Đừng có lo gì cả, nếu có chuyện gì xảy ra thì cũng bình thường vì sống chết là có số mà.
Trước khi đi, tôi không nghĩ mình sẽ gặp nguy hiểm như vậy. Đi rồi mới thấm thía tại sao người dân bị chia cắt, tại sao cứu hộ không đến được. Lũ lớn như thế, người ta lo cho bản thân họ còn không xong thì làm sao mà lo cho mình được. Khi tôi đi, tình hình đã đỡ hơn rất nhiều, chỉ còn bằng một phần mười so với trước đó rồi mà còn nguy hiểm như vậy thì lúc trước chắc chắn còn kinh khủng hơn. Lũ ào về lúc 3h sáng thì ai mà sống sót nổi. Trong hoàn cảnh đó, lực lượng cứu hộ cũng chỉ như muối bỏ bể thôi.
– Động lực nào khiến chị bất chấp nguy hiểm, trốn chồng vào tâm lũ như thế?
– Tuổi thơ của tôi có nhiều ngày tháng nghèo khó, cơ cực. Khi còn nghèo, ai cho đồng tiền nào tôi cũng thấy quý lắm. Trời ơi, lúc đó tôi thèm được người ta cho tiền lắm vì mua được cái này cái nọ, giải quyết được việc này việc kia. Vì vậy, giờ tôi nghĩ mình giúp được người ta cái gì thì giúp.
Tôi cầm tiền đi đến đâu cũng thấy có xin, thấy tội lắm. Trong số đó dĩ nhiên sẽ có cả những người vừa thiếu đói vừa tham. Ngày xưa tôi nghèo nhưng vì tự trọng nên không dám đi xin vậy đâu. Thế nhưng nếu bạn đi theo Phật thì sẽ thấy bản chất của chúng sinh là như vậy, mình không thương họ thì thôi đừng trách móc làm gì.
– Ông xã chị, cầu thủ Công Vinh, từng chia sẻ anh lo lắng khi chị đi như vậy vì sức khỏe của chị vốn rất yếu. Đâu là sức mạnh giúp chị vượt qua sự hạn chế về thể lực để dầm mưa trong bão lũ suốt từng đó ngày?
– Động lực là thấy người ta khổ thì mình không chịu được. Tôi thấy giúp được gì thì mình cố gắng đến đó. Khi đi, tôi biết mình sẽ mất rất nhiều công sức, đến đó chưa chắc đã giúp hết được mọi người nhưng cứ phải đi đã, còn hơn là không đi thì chẳng giúp được ai cả. Tôi cũng chẳng biết mình lấy sức khỏe ở đâu ra để đi như thế. Có lẽ tôi khỏe vì cứ khi nào đi làm việc tốt là thấy có động lực.
– Chị nghĩ thế nào khi số tiền quyên góp đổ về tài khoản của mình lên tới hơn 100 tỷ đồng?
– Trước khi đứng lên quyên góp, tôi không nghĩ số tiền sẽ lên tới 100 tỷ đồng. Khi làm từ thiện, chẳng ai biết trước được mình sẽ quyên được bao nhiêu tiền, cái gì cũng biết trước được thì chắc mua số ai cũng trúng (cười). Vì thế, tôi xác định có đến đâu làm đến đấy và làm bằng cái tâm của mình, việc gì khó khăn thì sẽ cố gắng. Đúng việc này rất áp lực nhưng ai cũng sợ áp lực, không đứng ra làm, mặc kệ những người khó khăn thì tội người ta quá.
– Chị áp lực ra sao với số tiền hơn 100 tỷ quyên góp được?
– Áp lực thì chắc chắn ai cũng có nhưng “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ thuộc về ai?”. Tôi thấy câu hát đấy rất đúng. Khi đi đến nơi, tôi mới thấy việc làm của mình rất ý nghĩa. Ra ngoài đó, tôi mới nhận ra người dân không hẳn quá đói khổ vì nước hiện tại đã bắt đầu rút. Người dân không hoảng sợ vì đói mà hoảng sợ vì mất hết rồi, tâm lý của họ hoảng loạn và khóc rất nhiều, không biết ngày mai sẽ sống ra sao, bắt đầu từ đâu. Tôi đi ngay lúc đó để hiểu họ cần gì thôi, cho lương thực hay vài triệu để đi chợ cũng chỉ là “chữa cháy” mà thôi. Điều lớn nhất tôi có thể giúp lúc ấy là mang đến hy vọng, trấn an để họ bình tĩnh, tin rằng Thủy Tiên sẽ quay trở lại nên không cần hoảng sợ rằng ngày mai sẽ ra sao.
– Chị dự định dùng 100 tỷ đó như thế nào?
– Tôi sẽ dùng số tiền 100 tỷ vào việc hỗ trợ cho đồng bào thiết lập lại cuộc sống sau lũ. Nhiều gia đình bị trôi hết nhà cửa, đồ đạc, đến cái chén ăn cơm cũng chẳng có… Tôi sẽ xây nhà, đưa cho họ một số tiền nhất định để tái thiết cuộc sống, lấy vốn làm ăn như mua giống trồng cây, cải tạo đất đai… Rất nhiều người dân vay vốn ngân hàng để làm ăn nhưng giờ mất hết rồi chẳng biết lấy tiền đâu ra mà trả. Đó là những trường hợp cần được giúp đỡ.
100 tỷ, ai nhìn vào cũng bảo nhiều và bàn tán đủ thứ nhưng liệu nó có đủ để xây nhà, ổn định cuộc sống cho tất cả mọi người hay không?
– Chị phân chia số tiền đó thế nào cho các địa phương?
– Tôi chia đều cho các tỉnh chứ không tập trung vào một địa phương nhất định, chỗ nào khó nhiều thì chia sẻ nhiều. Nếu địa phương nào chỉ bị trôi đồ đạc, còn nhà cửa thì tôi sẽ hỗ trợ tiền đi chợ, sắm sửa đồ mới còn nơi nào bị mất hết nhà cửa thì hỗ trợ xây nhà, tiền vốn tái thiết cuộc sống.
Tôi sẽ liên hệ với chính quyền các tỉnh để biết có bao nhiêu hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ và phát tiền cho toàn bộ các gia đình đó. Đương nhiên là lũ đến thì người giàu hay người nghèo cũng đều khổ cả. Dù ít hay nhiều cũng phải có để hỗ trợ mọi người vượt qua khó khăn sau lũ. Việc nhận tiền là do ý thức của mỗi người, nếu người ta cảm thấy mình đủ rồi, muốn chia sẻ cho người khác thì sẽ không đến nhận. Với những người có đủ rồi vẫn đến nhận thì mình cũng phải chịu thôi. Đó là ở cái tâm của mỗi người chứ tôi không thể nào biết rõ được hàng triệu hoàn cảnh. Tôi chỉ xác định trước hết là hỗ trợ họ như vậy, thứ hai là những hoàn cảnh đặc biệt hơn. Nếu có duyên thì chắc chắn tôi sẽ giúp tùy theo từng làng, từng xóm để giúp cho họ.
– Với kế hoạch hỗ trợ trên diện rộng như thế, chị làm thế nào để đảm đương hết?
– Trước mắt, tôi chẳng biết mình sẽ tìm ai làm cùng vì thực sự, tôi chỉ làm với cái tâm của một công dân muốn hỗ trợ cộng đồng và đất nước mình thôi chứ không có một tổ chức nào đó lớn lao đứng sau. Tôi không đủ thời gian và cũng không định lập ra một tổ chức từ thiện nào cả, chỉ làm với mong muốn giúp được ai thì giúp thôi. Nếu phải lên kế hoạch làm với ai hay tổ chức với êkíp chuyên nghiệp thì thực lòng, tôi làm gì có đủ tiền để trả lương cho họ. Tôi có rất nhiều tình nguyện viên hỗ trợ nhưng tất cả những người đi theo tôi đều là đi làm không lương thôi mà.
– Bên cạnh rất nhiều lời khen ngợi, sự cảm phục từ mọi người, vẫn có một số bình luận tiêu cực về việc mình làm, chị đối diện với điều đó như thế nào?
– Bình luận tiêu cực thì ở đâu cũng có nên tôi cảm thấy bình thường lắm. Chết tôi còn không sợ nữa là bị người ta chửi hay nói xấu (cười).
– Chồng con nói gì khi chị về Sài Gòn sau gần một tuần ở miền Trung?
– Tôi về nhưng chưa gặp chồng vì anh ấy đi làm 2-3 ngày nữa mới về. Gạo thì đi học suốt ngày, khi nào về thì kiếm mẹ vậy thôi. Tôi dự định ở Sài Gòn vài ngày để giải quyết công việc rồi sẽ ra lại miền Trung để tiếp tục hỗ trợ bà con. Tùy tình hình lúc đó như thế nào tôi sẽ tính đến việc tiếp tục cứu trợ “chữa cháy” bằng lương thực, thực phẩm hay bắt đầu giai đoạn hai là xây nhà, kiến thiết lại cuộc sống cho mọi người.
Chi Yên – Ngoisao.net