Mạnh tay chi hơn 7.000 tỉ đồng để thâu tóm quyền lực tại Vinaconex, thông tin về nhóm cổ đông An Quý Hưng gây xôn xao giới đầu tư và nhiều nghi vấn được đặt ra. Nhất là thời điểm trước khi Vinaconex bán đấu giá cổ phần của SCIC và Viettel, giới đầu tư bất động sản đã đồn đoán về nhóm đại gia bất động sản G7 ở Hà Nội.
Xôn xao về nhóm “đại gia bất động sản G7”
Như Dân Việt đã thông tin, để trở thành cổ đông chi phối (chiếm 57,7%) Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty TNHH An Quý Hưng đã chi 7.360 tỉ đồng, cao hơn giá trị khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng, cao hơn giá thị trường 2.600 tỉ đồng.
Thương vụ này gây chấn động toàn thị trường chứng khoán, từ một công ty có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị đấu giá và đang được thị trường đặt ra nhiều nghi vấn.
Thương vụ chi hơn 7.000 tỉ đồng của An Quý Hưng được sáng tỏ phần nào khi ĐHCĐ bất thường của Vinaconex được tổ chức hồi tháng 1 vừa qua. Nhân tố bí ấn Đào Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark, Chủ tịch HĐQT Cotana Group đã chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Vinaconex với tâm thế là đại diện nhóm cổ đông An Quý Hưng. Tuy nhiên, trong giới đầu tư cũng đang xôn xao về thông tin nhóm cổ đông An Quý Hưng có tới 7 người.
Mặc dù thông tin xôn xao trên chưa được kiểm chứng nhưng cũng có phần có cơ sở. Bởi, tại ĐHCĐ bất thường của Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh cho biết, ông đại diện cho một nhóm người tham gia vào nhóm cổ đông mua cổ phần Vinaconex và phần lớn các cổ đông này làm trong lĩnh vực xây dựng.
“Chúng tôi không phải là các đại gia, cũng không làm trong ngành thương mại, ngân hàng. Chúng tôi muốn làm một việc gì đó để giữ lại thương hiệu Vinaconex…”, ông Thanh nói.
Trước đó, một cổ đông nhóm An Quý Hưng đầu tư vào Vianconex này cũng xác nhận: “Nhóm cổ đông khoảng 5-6 người. Đây là cuộc chơi lớn nên phải tập hợp đông anh em, chủ yếu làm trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó không có vị nào bên Hải Phát, Him Lam, Geleximco…”
Trở lại các “mối quan hệ” của ông Nguyễn Xuân Đông, việc ông Đông đang là thành viên độc lập HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã HPX) khiến dư luận đặt hoài nghi về việc Hải Phát đứng sau cuộc chơi tại Vinaconex. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Cotana Group Đào Ngọc Thanh phủ nhận thông tin Hải Phát liên quan đến vụ thâu tóm cổ phần Vinaconex.
Như vậy, có thể thấy, tới thời điểm hiện tại, 2 nhân tố trong nhóm cổ đông của An Quý Hưng tham gia thâu tóm Vinaconex đã lộ diện là ông Đào Ngọc Thanh và ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng. Tin đồn về nhóm “đại gia bất động sản G7” chưa được kiểm chứng nhưng có nhiều khả năng những nhân tố còn lại trong nhóm cổ đông An Quý Hưng chỉ là cá nhân đang giữ chức vụ quan trọng nào đó tại các công ty trong lĩnh vực xây dựng.
Soi năng lực 2 cổ đông An Quý Hưng
Nhiều ý kiến bàn luận cho rằng, trong thương vụ thâu tóm Vinaconex, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng được coi là đại diện cho nhóm cổ đông đứng ra “đi chợ”. Ông Đào Ngọc Thanh trong vai trò quản lý “bàn tiệc” sắp tới.
Trước hết, tân Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh cũng đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Cotana Group. Tại đây, ông Thanh hiện đang nắm giữ hơn 1,7 triệu cổ phiếu CSC của Cotana Group, tương đương 17,46% vốn điều lệ. Trong khi đó, con gái ông Thanh là Đào Thu Thủy, phó Chủ tịch HĐQT nắm giữ khoảng 890 nghìn cổ phiếu, tương ứng 4,45% vốn tại Cotana Group. Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu CSC của 2 cha con ông Thanh đang nắm giữ chiếm gần 22% vốn tại Cotana Group.
Tính đến ngày 30.9.2018, Cotana có tổng tài sản đạt mức 701,8 tỷ đồng, tăng 20,3% so với đầu năm, trong đó, hàng tồn kho tăng 39,6% lên mức 103,8 tỷ đồng, cùng với đó, nợ phải trả của công ty cũng tăng lên mức 361,8 tỷ đồng.
Cotana Group tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Nam được thành lập từ năm 1993 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Đến nay công ty này đã trở thành một tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng với 20 công ty con, công ty thành viên và là doanh nghiệp đã tham gia thi công khu nhà ở cao tầng đầu tiên của thủ đô tại Định Công cũng là cái tên gắn liền với nhiều dự án khu đô thị lớn như Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính, Văn Quán, Việt Hưng… Trong đó, Cotana, JSC đóng vai trò là công ty mẹ.
Bên cạnh đó, ông Thanh hiện còn đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API) và là kiến trúc sư trưởng các dự án hiện nay của API. Ông Thanh còn được biết đến như cha đẻ, Tổng giám đốc của dự án Ecopark, thành phố xanh lớn nhất Miền Bắc. Dự án Ecopark là một trong những dự án của Vihajico do ông Lương Xuân Hà và ông Đào Ngọc Thanh cùng nhau gây dựng. Hiện ông Thanh cũng chính là Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Vihajico.
Còn đối với, Công ty TNHH An Quý Hưng, vào đầu tháng 11.2018 công ty này chỉ có vốn điều lệ là 360 tỉ đồng, đến 12.11.2018 (là giai đoạn nhận tiền đặt cọc và nộp đơn đăng ký đấu giá cổ phiếu VCG) đã tăng vốn lên 500 tỉ đồng. Năm 2017, sau 17 năm hoạt động, An Quý Hưng chỉ có tổng doanh thu chỉ khoảng 960 tỉ đồng và lợi nhuận khoảng 62 tỉ đồng.
Như vậy, có thể thấy, năng lực tài chính của cả 2 nhân tố đã lộ diện trong nhóm An Quý Hưng đều rất nhỏ so với thương vụ chi hơn 7.000 tỉ đồng mua cổ phiếu VCG. Với thương hiệu phát triển và khối tài sản khổng lồ sẽ được sử dụng như thế nào đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm tới các thành viên nhóm cổ đông thâu tóm Vinaconex này.
7 thành viên trúng cử HĐQT Tổng công ty Vinaconex:
1. Ông Thân Thế Hà (đại diện do Viettel ứng cứ, Chủ tịch HĐTV An Khánh SJC).
2. Ông Nguyễn Quang Trung (đại diện do Viettel ứng cử, Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Phú Long).
3. Ông Nguyễn Xuân Đông, CEO An Quý Hưng – Nhóm cổ đông An Quý Hưng.
4. Ông Dương Văn Mậu
5. Ông Đào Ngọc Thanh, CEO Ecopark – Nhóm cổ đông An Quý Hưng.
6. Ông Bùi Tuấn Anh.
7. Ông Nguyễn Hữu Tới.
Theo danviet.vn