Ngày 3/1, đại diện Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thông tin về mức thưởng của 40 tỉnh thành với 24.900 doanh nghiệp (tương ứng hơn 3 triệu lao động, chiếm 12% lao động hưởng lương trên cả nước).
Mức thưởng trung bình mỗi người tại khối công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước là 6,12 triệu đồng, bằng năm trước; công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước là 7,53 triệu đồng, tăng 10%; doanh nghiệp dân doanh 6,27 triệu đồng, tăng 0,5%; doanh nghiệp FDI 6,91 triệu đồng, tăng 11%.
Trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, mức thưởng cao nhất là 3,5 tỷ đồng cho một cá nhân tại doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ngân hàng tại TP HCM. Dịp này, khoảng 85% doanh nghiệp có mức thưởng bình quân 930.000 đồng một người, bằng 73% so với thưởng Tết Dương lịch năm trước.
Mức thưởng Tết Dương lịch bằng 73% so với năm 2019 là do năm nay hai Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên doanh nghiệp tập trung thưởng dịp Tết Nguyên đán với mức tăng 7,2% so với năm 2019.
Theo đại diện Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, doanh nghiệp có tiền thưởng Tết cao tập trung vào ngành nghề có nhiều lợi thế như ngân hàng, kiểm toán, điện tử…; còn những doanh nghiệp thưởng khoảng 100.000 đồng thường là ngành gia công, chế biến.
Năm 2019, tiền lương bình quân chung trong cả nước đạt 7,8 triệu đồng mỗi tháng, tăng 6,8% so với năm 2018.
Theo quy định tiền lương, tiền thưởng do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận; trong đó tiền thưởng chủ yếu phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Pháp luật lao động không quy định doanh nghiệp bắt buộc thưởng Tết đối với người lao động, trên thực tế tiền thưởng hàng năm thường trùng với dịp Tết nên thường gọi là thưởng Tết.