Thực tế Covid-19 khác xa ‘cúm vặt’ ở Brazil

Bệnh viện quá tải, nghĩa trang đầy mồ mới xây, dịch lan khắp khu ổ chuột dù Covid-19 chưa đạt đỉnh ở Brazil.

Tại Sao Paulo, thành phố lớn nhất và bị Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề nhất Brazil, đại dịch chưa lên tới đỉnh nhưng hệ thống y tế đã quá tải. Khi y bác sĩ đang chiến đấu để cứu người, Tổng thống Jair Bolsonaro dường như chỉ quan tâm đến một bệnh nhân ốm yếu khác: nền kinh tế của Brazil.

Brazil hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với hơn 365.000 ca nhiễm. Nhưng Bolsonaro, người từng tuyên bố Covid-19 chỉ là “cúm vặt”, đang thúc giục doanh nghiệp tái mở cửa, cho dù nhiều thống đốc đã kêu gọi thực hiện cách biệt cộng đồng để giảm tốc độ lây lan.

Bác sĩ Jacques Sztajnbok trong khoa ICU, bệnh viện Emilio Ribas. Ảnh: CNN.
Bác sĩ Jacques Sztajnbok trong khoa ICU, bệnh viện Emilio Ribas. Ảnh: CNN.

Trong khoa Chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Viện truyền nhiễm Emilio Ribas ở Sao Paulo, cơn giận dữ bùng lên khi y bác sĩ được hỏi về Tổng thống. “Thật đáng phẫn nộ”, một người nói. “Thật vô trách nhiệm”, một người khác tuyên bố.

“Covid-19 không phải cúm. Nó là thứ tồi tệ nhất mà chúng tôi từng đối mặt trong sự nghiệp”, bác sĩ Jacques Sztajnbok nói, mắt nheo lại mệt mỏi. Khi được hỏi có lo lắng cho sức khỏe của mình không, ông trả lời “có” hai lần.

Lý do Sztajnbok lo lắng hiện rõ trong khoa ICU đang quá tải. Covid-19 đang giết chóc sau tấm màn bệnh viện trong sự yên lặng tới ngột ngạt. Nó quá xa lạ với những biến động toàn cầu và chia rẽ chính trị ồn ào liên quan tới nó. Nhưng khi cướp đi một mạng sống, Covid-19 cho thấy sự kinh khủng mà dịch bệnh gây ra.

Đèn đỏ nhấp nháy báo động sự yên tĩnh đầu tiên bị phá vỡ. Bác sĩ đầu đội mũ chụp tóc, liên tục ép ngực cho bệnh nhân trước màn hình báo hiệu sự sống. Bệnh nhân trong độ tuổi 40, cơ hội sống sót luôn phập phù mấy ngày nay.

Một y tá khác chạy vào. Trong phòng ICU này, nhân viên y tế dừng lại ở phòng bên ngoài mặc quần áo bảo hộ và rửa tay, nhưng chỉ dừng lại một lúc trước khi vào trong. Ở hành lang bên ngoài, một bác sĩ đang vội vã mặc áo khoác. Khoa ICU chật cứng bệnh nhân, mà đỉnh dịch ở Sao Paulo có lẽ phải sau hai tuần nữa mới đến.

Qua cửa kính, nhân viên y tế vội vàng giữ đầu bệnh nhân, thay dây truyền, chuyển vị trí. Họ đang cố hết sức ép lên xương ức của bệnh nhân để giúp cô sống sót.

Một bác sĩ ra ngoài, đầu đầy mồ hôi, tạm nghỉ trong hành lang mát mẻ hơn. Một tiếng động hiếm hoi vang lên, cửa kính trượt mở ra rồi đóng lại. Trong 40 phút, các y bác sĩ tập trung tối đa sức lực và dừng lại khi đồ thị nhịp tim vẫn thẳng tắp.

Covid-19 đã phá hủy cuộc sống của chúng ta nhưng cách nó giết chóc vẫn được giấu sau cánh cổng các khoa ICU, nơi chỉ những nhân viên y tế dũng cảm mới nhìn thấy thực trạng và quen thuộc với nó.

Hai ngày trước khi đoàn phóng viên của CNN tới đưa tin, khoa ICu mất đi một đồng nghiệp là Mercia Alves, nữ y tá 28 năm trong nghề. Hôm nay, họ cùng đứng tại cửa kính một phòng cách ly khác, bên trong là một bác sĩ đồng nghiệp đang nằm trên giường, cổ đặt nội khí quản. Một đồng nghiệp khác phát hiện dương tính nCoV cùng ngày. Dịch bệnh khiến bệnh nhân đổ vào chật cứng bệnh viện nay đang quay sang tấn công y bác sĩ.

Bệnh viện Emilio Ribas không đủ giường trước khi dịch lên tới đỉnh, nhân viên đang chết vì virus. Nhưng đây là nơi được trang bị tốt nhất Sao Paulo, điềm báo cho Brazil những tuần tới.

Renata Alves (phải), tình nguyện viên  y tế của tổ chức cứu trợ G10 Favela. Ảnh: CNN.
Renata Alves (phải), tình nguyện viên  y tế của tổ chức cứu trợ G10 Favela. Ảnh: CNN.

Sao Paulo là thành phố lớn nhất, giàu có nhất Brazil, nơi thống đốc địa phương kiên quyết thực hiện phong tỏa và buộc người dân đeo khẩu trang. Tuy nhiên, con số tử vong vẫn lên gần 6.000 và số người nhiễm tăng hơn 76.000 tại nơi được trang bị tốt nhất, khiến người ta ớn lạnh về những gì sắp xảy ra ở Brazil.

Giàu có chứ không phải sức khỏe mới là nỗi bận tâm của Tổng thống Bolsonaro, người gần đây bắt đầu gọi cuộc chiến chống virus là “chiến tranh”. Nhưng hôm 14/5, ông lại nói: “Chúng ta phải dũng cảm khi đối mặt loại virus này. Người dân đang chết ư? Vâng, đúng vậy, và tôi lấy làm tiếc. Nhưng sẽ còn nhiều người chết hơn nếu kinh tế tiếp tục bị hủy hoại vì các biện pháp phong tỏa”.

Dịch bệnh len lỏi vào từng ngõ ngách thành phố, lan tràn tại các khu ổ chuột. Renata Alves, tình nguyện viên  y tế của tổ chức cứu trợ G10 Favela, lắc đầu nói “vô trách nhiệm” khi được hỏi ý kiến về nhận xét nCoV chỉ là “cúm vặt” của Tổng thống Bolsonaro. Cô rất bận, quay cuồng với công việc giữ cho người dân trong khu ổ chuột sống sót.

Trong một căn phòng đầy máy may, phụ nữ được dạy cách may khẩu trang từ bất kỳ vật liệu nào có được. Tại một nơi khác, người ta đang chuẩn bị 10.000 suất ăn chuyển tới những nơi không thể mua thực phẩm do lệnh phong tỏa.

Alves đang có mặt tại một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của thành phố ở vùng ngoại ô Paraisopolis. Những con đường chật hẹp với ngõ ngách ngoằn ngoèo giải thích lý do Covid-19 lan nhanh ở đây.

Alves nhận ra cô chỉ nhìn thấy nửa bức tranh về nguy cơ xuất hiện 100.000 bệnh nhân. Chỉ người nào xuất hiện ba triệu chứng trở lên, cô mới được phép xét nghiệm nCoV cho họ. Thậm chí loại xét nghiệm này còn phải dựa vào một nhà từ thiện giấu tên. Rất nhiều ca không được phát hiện.

“Đa phần xét nghiệm tiến hành khi người bệnh đang trong giai đoạn tiến triển bệnh”, cô vừa nói vừa hướng về phía nhà của Sabrina, một người đang ho sù sụ cách ly tại căn nhà nhỏ xíu cùng ba đứa con. Bác sĩ dùng thanh gỗ đè lưỡi Sabrina xuống, kiểm tra cổ họng bằng đèn pin, chào hỏi những đứa con đang ngơ ngác của cô, trước khi tiếp tục.

“Chúng tôi gặp rất nhiều ca khó khăn. Có ca là một phụ nữ béo phì cần 8 người khiêng mới ra được xe cứu thương. Có ca là một người đàn ông mắc bệnh Alzheimer, chúng tôi phải hỏi ý kiến gia đình để đưa ông ấy ra khỏi nhà”, Alves cho biết. “Người phụ nữ sống sót. Người đàn ông qua đời”.

Sống ở phía trên con đường chật cứng xe dọn rác là Maria Rosa da Silva. Người phụ nữ 53 tuổi nghĩ rằng mình nhiễm virus khi đi chợ ở đây, dù đeo khẩu trang và găng tay. Vì vậy, bà đã tự “cách ly” trên căn phòng ở tầng ba. Giãn cách xã hội ở đây dường như chỉ có thể thực hiện theo chiều dọc. 

“Những người như tôi nằm trong nhóm nguy cơ sắp chết”, bà nói. “Hôm qua, đến chủ hiệu thuốc cũng chết. Nhiều người đang mất mạng vì ai đó bất cẩn. Nếu đó là vì lợi ích xã hội, chúng ta phải cách ly”.

Những ngôi mộ mới mọc lên ở nghĩa trang Vila Formosa. Ảnh: CNN.
Những ngôi mộ mới mọc lên ở nghĩa trang Vila Formosa. Ảnh: CNN.

Ở những con phố nghèo và nguy hiểm này, trách nhiệm xã hội đã thúc đẩy một trung tâm cách ly mọc lên trong một trường học vắng vẻ. Chính phủ đã giao tòa nhà cho một quỹ tài trợ tư nhân, hàng chục bệnh nhân đang được điều trị bên trong. Trung tâm lắp đặt camera an ninh giám sát, đã sẵn sàng để tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn.

Tuy nhiên, dấu hiệu về những gì sắp xảy ra khiến người ta bất an. Trên những ngọn đồi phía trên Sao Paulo, nghĩa địa Vila Formosa tràn ngập tang tóc với những ngôi mộ mới đào nối nhau dài vô tận. Dường như cứ 10 phút lại có một đám ma. 

Dịch bệnh mới bắt đầu ở Brazil, sau khi càn quét khắp thế giới ít nhất hai tháng trước. Có điều, những bằng chứng không thể thay đổi khắp thế giới về sự kinh hoàng của dịch bệnh, lại dẫn tới những ý kiến trái chiều trong chính phủ Brazil.

Thảm kịch ở những nơi khác đang gửi đi tín hiệu cảnh báo khắp hành tinh khi thế giới ghi nhận hơn 5,4 triệu người nhiễm và 345.000 người chết. Hơn 22.000 ca tử vong và 365.000 ca nhiễm ở Brazil dù khủng khiếp nhưng có thể không phản ánh hết toàn bộ thảm kịch đang diễn ra. Chuyện xảy ra ở Brazil thậm chí có thể tồi tệ hơn.

Hồng Hạnh (Theo CNN) – Vnexpress