Người mua chỉ cần trả thuế và phí môi giới là có thể sở hữu một căn nhà cho riêng mình.
Trong 30 năm trở lại đây, tình trạng già hoá dân số và thu hẹp dân số ở Nhật Bản ngày càng nghiêm trọng hơn, dẫn đến tình trạng nhiều căn nhà ở đây bị bỏ trống. Trên Akiya Banks – trang web chuyên về bất động sản ở nước này có rất nhiều nhà được bán với giá rẻ, trong đó một số căn nhà thậm chí còn được bán với giá 0 đồng.
Trong tiếng Nhật, “Akiya” nghĩa là căn nhà bỏ không. Phần lớn những bất động sản này nằm ở các khu vực có lượng nhà bỏ trống tăng cao. Chính quyền địa phương đã đăng tin bán nhà trên mạng nhằm điều tiết lại cân bằng về nhu cầu nhà ở.
Trên Akiya Banks, rất nhiều ngôi nhà hiển thị giá là “miễn phí”. Người mua chỉ cần trả thuế và phí môi giới là có thể sở hữu căn nhà.
Vậy vì sao “nhà miễn phí” lại xuất hiện? Trang web bất động sản Rethink Tokyo phân tích: “Thông thường là vì chủ nhà không thể gánh nổi phí duy trì nhà ở, hoặc không thể trả nổi thuế mà
áp dụng đối với những căn nhà trống”.
Nhưng đương nhiên, không có bữa ăn nào là miễn phí. Người mua vẫn phải chi trả ở một số mặt khác. Chẳng hạn như do nhà để lâu năm nên người mua sẽ phải chi tiền để tu sửa trên diệng rộng, nếu không sẽ không thể ở hoặc sử dụng. Tuy nhiên, một số khu hành chính địa phương như Tochigi và Nagano sẽ hỗ trợ một khoản tiền nhất định để sửa mới.
Ngoài những căn nhà miễn phí, giá nhà trên các trang mạng thường dao động từ 500.000 – 20 triệu JPY (102 triệu – 4 tỷ đồng), tuỳ theo vị trí, năm xây và tình trạng cụ thể hiện tại.
Tại Nhật Bản, hiện tượng nhà để trống, hay còn gọi là “nhà ma” bị bỏ hoang từ lâu đã là một trong những yếu tố gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế của quốc gia này. Những năm 70-80 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã xây dựng rất nhiều nhà ở trong thời kỳ kinh tế phát triển siêu tốc. Nhưng đến những năm 90, bong bóng kinh tế đã tác động tới thị trường bất động sản. Cộng thêm sự già hoá và thu hẹp dân số tăng dần trong những năm gần đây, số lượng những “ngôi nhà ma ám” cũng tăng theo. Trước kia, những ngôi nhà bỏ trống thường nằm ở thị trấn và làng mạc xa xôi hẻo lánh. Nhưng trong những năm gần đây, hiện tượng này đã dần lan ra các vùng ngoại ô và các thành phố lớn.
Theo số liệu của Bộ nội vụ và truyền thông Nhật Bản, năm 2013, số lượng nhà trống ở Nhật Bản vượt quá 8 triệu, chiếm 13,52% tổng tài sản trong nước, tăng 0,4% so với 5 năm trước đó. Một số liệu khác từ viện nghiên cứu Fujitsu cho thấy, đến năm 2033, dự kiến số lượng nhà trống ở Nhật Bản sẽ vượt quá 20%, có khả năng gây ra nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng hơn.
Thành phố có tỷ lệ nhà trống thấp nhất ở Nhật Bản là Tokyo. Năm 2013, tỷ lệ này ở Tokyo là 11,1%. Nhưng theo báo cáo của viện nghiên cứu Fujítu, con số này cũng sẽ vượt quá 20% vào năm 2033.