Mối quan hệ đầy sóng gió giữa Thủ tướng Malaysia Mahathir, 94 tuổi, và Anwar Ibrahim, 72 tuổi, đã định hình chính trị Malaysia trong nhiều năm. Anwar là cấp phó của Mahathir và là một ngôi sao chính trị đang lên khi Mahathir giữ chức thủ tướng vào những năm 1990. Nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khiến nền kinh tế Malaysia rơi vào suy thoái cuối những năm 1990, mối quan hệ giữa hai người rạn nứt.
Năm 1998, Anwar bị cách chức rồi bị bỏ tù với cáo buộc tham nhũng và quan hệ đồng tính cho đến khi được thả năm 2004. Anwar nói rằng các cáo buộc nhằm vào ông vì mục đích chính trị.
Mahathir và Anwar làm lành, kết thành liên minh Pakatan Harapan (Liên minh Hy vọng) để đánh bại Najib Razak trong cuộc bầu cử tháng 5/2018. Vào thời điểm đó, Anwar đang thụ án tù 5 năm vì lần thứ hai bị kết tội quan hệ đồng tính năm 2015. Liên minh gồm 4 đảng được thiết lập dựa trên giao kèo rằng Mahathir sẽ chuyển giao quyền lực cho Anwar vào giữa nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Anwar được Vua Malaysia ân xá vài ngày sau cuộc bầu cử và trở lại chính trường với tư cách nghị sĩ đại diện cho thành phố Port Dickson.
Tuy nhiên, trong quãng thời gian cầm quyền, Mahathir nhiều lần từ chối nói khi nào ông sẽ chuyển giao quyền lực. Đầu tuần này, Mahathir dường như thể hiện rõ ông không muốn giữ lời hứa với Anwar.
Ngày 24/2, Mahathir từ chức thủ tướng và chủ tịch đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia (Bersatu). Bersatu, gồm 26 nghị sĩ, cùng 11 nghị sĩ thuộc đảng Công lý Nhân dân (PKR) của Anwar rút khỏi Pakatan Harapan cùng ngày, khiến liên minh còn lại 102 ghế, mất thế đa số trong quốc hội 222 ghế và làm chính phủ tan rã. Giới chuyên gia đánh giá việc Mahathir từ chức là động thái mang tính chiến thuật nhằm rũ bỏ thỏa thuận chuyển đổi quyền lực.
Quốc vương Malaysia chấp thuận đơn từ chức của Mahathir, song bổ nhiệm ông làm thủ tướng lâm thời. Mahathir hôm qua thông báo trên truyền hình rằng ông muốn thành lập một chính phủ không phân biệt đảng phái và sẵn sàng trở lại làm thủ tướng. “Chính trị đảng phái cần phải bị gạt sang một bên”, Mahathir nói. “Nếu được phép, tôi sẽ cố gắng thành lập một chính phủ toàn diện, không đứng về phía bất kỳ đảng phái nào”.
Tuy nhiên, Anwar “ngáng đường” kế hoạch của Mahathir với thông báo rằng ông nhận được sự ủng hộ từ ba đảng trong liên minh Pakatan Harapan. Pakatan Harapan ban đầu ủng hộ Mahathir nhưng sau đó chuyển sang hậu thuẫn Anwar, sau khi Mahathir từ chối tham dự một cuộc họp của liên minh ngày 25/2. Pakatan Harapan đã đề cử Anwar làm thủ tướng và trình lên Quốc vương.
Đảng Hành động Dân chủ (DAP), một thành viên của liên minh Pakatan Harapan, giải thích họ không thể ủng hộ Mahathir vì một chính phủ phi đảng phái do ông lãnh đạo sẽ không phải chịu sự kiểm soát của quốc hội. “Nếu kịch bản đó xảy ra, Mahathir sẽ là người duy nhất quyết định ai sẽ là bộ trưởng trong nội các. DAP và các đảng khác sẽ không được tham vấn ý kiến trong quá trình này”, đảng cho biết.
Quyền chỉ định thủ tướng nằm trong tay Quốc vương Malaysia. Ông đã bắt đầu hỏi ý kiến tất cả nghị sĩ từ hồi đầu tuần để biết họ đứng về phía ai hay muốn tổ chức một cuộc bầu cử mới. Ứng viên chiến thắng phải có sự ủng hộ của ít nhất 112 nghị sĩ. Hiện không rõ liệu Anwar hay Mahathir có đạt được điều đó không.
James Chin, chuyên gia về Malaysia từ Đại học Tasmania, tin rằng Mahathir có thể sẽ thắng thế trong “cuộc chiến” quyền lực. Tom Pepinsky, giáo sư Đại học Cornell, đánh giá “một nội các phi đảng phái” vẫn có khả năng xảy ra mặc dù Pakatan Harapan đã quay lưng với Mahathir. Giáo sư cho rằng các nghị sĩ trong liên minh có thể tham gia nội các của Mahathir với tư cách độc lập thay vì là thành viên của Pakatan Harapan.
“Một số nghị sĩ Pakatan Harapan có thể thấy đây là phương án có lợi hơn nếu họ muốn nâng cao vị thế trước cuộc bầu cử mới”, Pepinsky nói.
Trong khi đó, giáo sư Ahmad Fauzi Abdul Hamid từ Đại học Khoa học Malaysia cho rằng Anwar sẽ thắng thế vì ông có nhiều cơ hội giành được sự ủng hộ của ít nhất 112 nghị sĩ hơn. Trước khi công bố với công chúng kế hoạch chính phủ phi đảng phái, Mahathir đã trao đổi vấn đề này với nhiều nghị sĩ nhưng họ không mặn mà.
Một kịch bản khác là tổ chức bầu cử sớm để khơi thông thế bế tắc. Liên minh Mặt trận Quốc gia (Barisan Nasional), đã cầm quyền Malaysia trong 60 năm cho đến khi bị “hất cẳng” vào năm 2018, cho biết họ đã thông báo với Quốc vương rằng họ muốn một cuộc bầu cử mới. Liên minh này đang có 42 ghế. Đảng Hồi giáo Malaysia (PAS) với 18 ghế cũng có động thái tương tự.
“Phương án tốt nhất là tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, nhưng cả Mahathir và Anwar đều không muốn điều đó. Họ sợ người dân sẽ tẩy chay họ”, Chin nói.
Tương lai của chính trường Malaysia là điều khó đoán định. “Đây là những diễn biến chưa từng có trong chính trị Malaysia và mọi thứ có khả năng còn trở nên rối ren hơn”, Pepinsky nói.
Phương Vũ (Theo AFP/SCMP) – Vnexpress