Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Để phù hợp với những đòi hỏi mới, Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Kế hoạch & Đầu tư thành Ủy ban Cải cách Đổi mới hoặc Bộ Kinh tế, Chiến lược và Phát triển.

Tại hội nghị tổng kết ngày 9/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Bộ Kế hoạch & Đầu tư không chỉ là làm kế hoạch, vạch định hướng tham mưu mà còn thực sự giám sát để các chính sách đi vào cuộc sống.

Ông lấy ví dụ về chủ trương, cách triển khai, quản lý kinh tế ban đêm – một nguồn tăng trưởng mới của đất nước. “Chủ trương một, biện pháp 10, đôn đốc, kiểm tra 20 thì mới đưa vào cuộc sống những chính sách mới”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông cho rằng sau năm 2020, Bộ Kế hoạch & Đầu tư có thể cần thay đổi tên để phù hợp với những đòi hỏi mới. Theo ông, tên mới có thể là Ủy ban Cải cách Đổi mới và Trưởng Ủy ban là một thành viên Bộ Chính trị hoặc cũng có thể đổi thành Bộ Kinh tế, Chiến lược và Phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết ngành kế hoạch, đầu tư ngày 9/1. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết ngành kế hoạch, đầu tư ngày 9/1. Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt, trong đó có đầu tư công vướng về thể chế, tổ chức thực hiện, tỷ lệ giải ngân thấp. Đã xây dựng tiêu chí rõ ràng nhưng theo ông, danh mục các dự án đầu tư công còn dàn trải, “bóng dáng của ban phát”, quản lý đấu thầu bất cập, thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả thấp… Đặc biệt, nhiều nơi hủy thầu vô căn cứ, có dấu hiệu tham nhũng, hoặc còn tình trạng đấu thầu kém công khai.

Ngoài ra, ông cũng đánh giá công tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế nên đề nghị gấp rút phát hành sách trắng về doanh nghiệp, về hợp tác xã ngay trong quý I. 

“Ngân hàng Thế giới đánh giá tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới, vậy làm sao để vừa phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu, làm cho tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng, tạo động lực cho phát triển mạnh mẽ đất nước”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Theo lãnh đạo Chính phủ, vấn đề liên kết vùng nói nhiều nhưng chưa làm được nhiều. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần tổ chức nghiên cứu xây dựng, đề xuất thể chế thực sự đột phá cho liên kết vùng để không bị cát cứ.

Nguyễn Hà – Vnexpress