“Cần thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần xem kỹ, soi chặt, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết; làm nhiều, hiểu biết kỹ và tham mưu tốt hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị Trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021 do Bộ Tư pháp tổ chức, sáng 23/12.
Nhiều địa phương thường lo công việc “cháy nhà, chết người” mà không quan tâm xây dựng thể chế pháp luật, trong khi đây là nền tảng quan trọng để xây dựng đất nước. “Các lãnh đạo cấp bộ, bí thư tỉnh có quan tâm pháp chế ở bộ, địa phương mình không hay khoán trắng cho ông thứ trưởng hoặc vụ trưởng? Tôi biết có bộ trưởng cả nhiệm kỳ không đến vụ pháp chế làm việc và cũng rất ít vụ trưởng pháp chế hay giám đốc sở tư pháp lên được chức thứ trưởng”, Thủ tướng nói.
Đánh giá yếu tố con người trong ngành tư pháp rất quan trọng “vì cũng giống như ngành y”, Thủ tướng đề nghị quan tâm nhiều hơn. “Ngành tư pháp hiện nay có khoảng 45.000 cán bộ, công chức, viên chức – đứng thứ hai, thứ ba cả nước. Nếu những con người này có trình độ, giỏi về pháp luật cả trong và ngoài nước, có trách nhiệm cao trong công việc sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Bộ Tư pháp dự kiến trong năm 2021 triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp và Luật Xử lý vi phạm hành chính; hoàn thành nhiệm vụ thi hành án dân sự trong đó tăng cường thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; nghiên cứu đề xuất đổi mới cơ chế thi hành án hành chính; tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế.
Giai đoạn 2016-2020, Bộ Tư pháp và Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền hơn 40.000 văn bản. Năm 2020, toàn ngành tư pháp kiểm tra theo thẩm quyền 9.804 văn bản quy phạm pháp luật và phát hiện 234 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (chiếm tỷ lệ 2,38%).
Nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đã thi hành xong hơn 2,8 triệu việc (tăng 20,3%) với tổng số hơn 205.000 tỷ đồng (tăng 56%). Riêng năm 2020 đã thi hành được hơn 53.000 tỷ đồng, trong đó hơn 14.000 tỷ từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.
Việc hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã được áp dụng phần mềm đăng ký dùng chung tại 63 tỉnh, thành phố. Gần 2 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân trên môi trường điện tử trong năm 2020.
Phạm Dự – Vnexpress