Thủ tướng: 10 triệu tấn rác thải ở nông thôn trách nhiệm của ai?

Thủ tướng: 10 triệu tấn rác thải ở nông thôn trách nhiệm của ai?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng môi trường sống của người dân ở nông thôn chưa được đảm bảo, 10 triệu tấn rác ở khu vực này phải có bộ, ngành đứng ra nhận trách nhiệm xử lý.

Sáng 3/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp. Theo ông, với ý chí và quyết tâm cao, cùng “thiên thời địa lợi nhân hòa”, năm 2018, ngành nông nghiệp có những bứt phá ngoạn mục, đời sống người dân tất cả vùng miền được cải thiện và nâng lên một bước.

Điểm sáng giảm thiệt hại do thiên tai

Thủ tướng điểm qua các kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp như: Tái cơ cấu đúng hướng, nhiều loại sản phẩm lớn có giá trị lớn xuất hiện ở Việt Nam; kim ngạch xuất khẩu vượt mức đề ra (đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Thái Lan).

“Thị trường được mở rộng nhờ có sự phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp. Đó là sự vào cuộc của các cấp các ngành đều quan tâm đến thị trường tìm đầu ra cùng với 2 bộ chủ công”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị sáng 3/1. Ảnh: Bảo Lâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị sáng 3/1. Ảnh: Bảo Lâm.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được củng cố, đầu tư vào nông nghiệp. Những doanh nghiệp lớn uy tín đầu tư vào nông nghiệp, nếu không sẽ khó có kết quả thành công trên.

Cũng theo Thủ tướng, thị trường tiêu thụ trong nước có sự chủ động xây dựng được chuỗi cung ứng an toàn, nên thực phẩm sạch, an toàn được cải thiện.

“Chúng ta phải phục vụ sản phẩm nông nghiệp sạch cho gần 100 triệu dân trong nước. Đó là điều đáng mừng, người dân được ăn những sản phẩm an toàn, được bảo vệ sức khỏe là trách nhiệm của ngành nông nghiệp”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Ngoài ra, công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai đáng chú ý “4 không tại chỗ” rất quyết liệt kịp thời. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo, theo dõi thiên tai sớm, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người dân.

“Đây là điểm sáng nhằm hạn chế thiệt hại về người và kinh tế do thiên tai gây ra. Số thiệt hại về người giảm 2/3, kinh tế giảm còn 20.000 tỷ đồng(năm trước 60.000 tỷ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Vẫn còn tình trạng được mùa rớt giá

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế của ngành này như: Cơ cấu lại nông nghiệp, tổ chức liên kết chưa phổ biến; kinh tế hộ, nhỏ lẻ còn cao, nhiều nơi còn “con trâu đi trước cái cày đi sau”.

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhất là phổ cập giống mới, cây trồng thích ứng biến đổi khí còn hạn chế. Công tác dự báo cung cầu thị trường có tiến bộ nhưng vẫn là vấn đề đặt ra cho cả hệ thống, vẫn còn được mùa rớt giá.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Ảnh: Quang Hiếu.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Ảnh: Quang Hiếu.

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới còn thiếu sót. Ở miền núi số xã đạt chuẩn còn thấp, cần xem xét tiêu chí cho vùng sâu vùng xa, nhất là chỉ tiêu thu nhập người dân, cái này rất quan trọng.

“Môi trường nông thôn còn ô nhiễm. Hơn 10 triệu tấn rác thải ở đây thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp hay Bộ TN&MT, Xây dựng, phải làm rõ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.

Về nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phấn đấu 10 năm nữa Việt Nam phải lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất.

Riêng lĩnh vực chế biến nông sản nhóm 10 nước của thế giới, Việt Nam phải phấn đấu là trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ, sản xuất tôm hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu 42-43 tỷ USD.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần làm tốt công tác thị trường, dự báo cung cầu, thị trường mới, xây dựng thương hiệu nông nghiệp của Việt Nam. Ông nói: “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng 4.0 vào nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam không thể đứng đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0”.

Về phòng chống thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năm nay có hiện tượng El-Nino, cần theo dõi sát sao thời tiết, không để bất ngờ khi đối phó với thiên tai; tập trung có nội dung phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 42-43 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, các chỉ tiêu chủ yếu tổng hợp của ngành nông nghiệp năm 2018 đều vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước. Cụ thể, GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 40,02 tỷ USD.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo kết quả công tác tại hội nghị. Ảnh: Bảo Lâm.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo kết quả công tác tại hội nghị. Ảnh: Bảo Lâm.

Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đã đem lại thu nhập cao gấp trên 5 lần so với sản xuất lúa.

Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tiếp tục được nâng cao năng lực, chế biến sâu.Năm 2018 có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và khánh thành.

Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, xuất khẩu đạt kỷ lục mới, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thị trường, nhất là những thị trường lớn, khó tính…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những yếu kém và nhiều thách thức. Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương.

Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị công tác dự báo cung, cầu còn bất cập. Việc “giải cứu” thịt lợn là bài học sâu sắc; chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản…

Thiên tai, bão, lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục được dự báo diễn ra nghiêm trọng hơn. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý an toàn thực phẩm vẫn phức tạp.

Theo vị bộ trưởng, năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3 %, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%. Ông Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra các giải pháp, phương hướng để thực hiện mục tiêu đề ra cho ngành mình.

Thắng Quang (Zing.vn)

Để lại một bình luận