Thủ tục hành chính về nhà đất: bổ sung, bổ sung… rồi làm lại từ đầu

Không ít người tỏ ra ngao ngán khi đi làm thủ tục hành chính về đất đai. Các chuyên gia gọi đó là “một cửa nhiều khóa”, còn người dân thì ngao ngán khi được yêu cầu bổ sung hết giấy này đến thứ khác, rồi lại phải chờ đợi từ đầu.
Thủ tục hành chính về nhà đất: bổ sung, bổ sung... rồi làm lại từ đầu - Ảnh 1.
Hội nghị lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp về các thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM ngày 11-3- Ảnh: TUYÊN THÀNH

Tại Hội nghị lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức ngày 11-3, nhiều ý kiến đại diện người dân và doanh nghiệp đồng ý với nhận định trên khi nói về thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM.

Bổ sung, bổ sung… rồi làm lại từ đầu

Ông Nguyễn Văn Hoàng, người dân tại quận 9, cho biết trước tết ông có làm thủ tục đóng thuế trước bạ nhà, đất. Khi làm tờ khai, ông sơ suất không khai mục “hạng mục sử dụng đất” trong tờ khai. 

Hồ sơ của ông được hẹn trả kết quả sau 15 ngày. Đến ngày thứ 10 thì ông được mời lên trả hồ sơ, yêu cầu bổ sung mục trên.

Thủ tục hành chính về nhà đất: bổ sung, bổ sung... rồi làm lại từ đầu - Ảnh 2.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, quận 9, nói: “Nhiều người dân ngao ngán khi đi làm thủ tục hành chính về nhà, đất” – Ảnh: CTV

“Lúc đó, tôi chỉ lấy viết điền mấy chữ vô phần hạng mục sử dụng đất rồi nộp lại hồ sơ. Đáng nói là giấy hẹn nhận kết quả vẫn là 15 ngày sau như một hồ sơ mới. Vậy có chết người dân không?”, ông Hoàng bức xúc.

Theo ông Hoàng, thay vì bắt ông phải nộp hồ sơ lại từ đầu, tổ xử lý hồ sơ chỉ cần gọi điện thoại mời ông lên bổ sung mấy chữ trong hạng mục đó thôi thì hồ sơ vẫn chạy bình thường, người dân không mất thời gian 10 ngày chờ đợi.

“Nhiều người dân rất ngao ngán khi đi làm thủ tục hành chính. Thủ tục do chúng ta viết ra nó thì những điều bất hợp lý, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân và doanh nghiệp phải nhanh chóng được rà soát và sửa đổi”, ông Hoàng đề nghị.

Ông Hoàng nhận xét: kể từ khi cơ quan đăng ký đất đai chuyển về sở tài nguyên và môi trường, hồ sơ cấp giấy hồng kéo dài hơn so với trước kia.

“Hiện nay, làm giấy hồng mất vài tháng, nếu có sai sót thì cộng thêm vài tháng nữa. Như vậy sẽ làm người dân ngại đăng ký quyền sử dụng đất, không hoàn công, không sang tên thì Nhà nước thất thu thuế mà còn phát sinh nhiều hệ lụy, tranh chấp sau này.

Tôi đề nghị ủy quyền cho các quận, huyện cấp giấy hồng, sở tài nguyên và môi trường chỉ xét cấp những trường hợp khó khăn, phức tạp có nhiều vướng mắc để giảm áp lực cho sở, giảm phiền hà cho dân” – ông Hoàng đề nghị.

Một cửa nhiều khóa

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Hội Luật gia TP.HCM, ví von quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại sở tài nguyên và môi trường là một cửa có nhiều khóa. 

Tuy chỉ liên hệ một nơi để nộp hồ sơ nhưng người dân phải đi nhiều nơi mới có đủ hồ sơ hợp lệ để nộp. Vướng mắc lớn nhất là khâu đo vẽ bản đồ hiện trạng vị trí để làm giấy hồng.

Hiện nay, nhiều trường hợp một thửa đất cấp cho nhiều người làm phát sinh tranh chấp. Cả hai người dân đều thực hiện đúng thủ tục hành chính, nhưng do cơ quan chức năng làm sai đã đẩy họ đến những phiền hà, rắc rối.

Thủ tục hành chính về nhà đất: bổ sung, bổ sung... rồi làm lại từ đầu - Ảnh 3.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, trao đổi tại hội nghị – Ảnh: TUYÊN THÀNH

Luật sư cũng nhận định cơ sở dữ liệu của ngành tài nguyên còn yếu kém nên đã để xảy ra những sự việc như trên. Vì vậy cần phải xây dựng nhanh cơ sở dữ liệu để tránh những sai sót trên.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, cho biết TP đã cấp giấy hồng cho hơn 16 triệu nhà, đất, số còn lại là những trường hợp có tranh chấp, có vướng mắc, mua bán bằng giấy tay… Vì vậy, những trường hợp làm giấy hồng giai đoạn này khá phức tạp và cần phải rà soát qua nhiều khâu.

Sở Tài nguyên và môi trường đã tham mưu cho cơ quan chức năng việc ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thực hiện số thủ tục trên giấy hồng nhằm giảm thời gian chờ đợi của người dân.

Đối với doanh nghiệp, thủ tục nhà, đất còn liên quan đến rất nhiều luật khác thuộc chức năng giải quyết của nhiều sở ngành. 

“Thời gian qua, Sở Tài nguyên và môi trường đã cố gắng phân loại các vấn đề để tìm hướng giải quyết cho doanh nghiệp và người dân. Sở có lỗi là không thông tin lại quá trình giải quyết hồ sơ nên người dân nóng ruột, lo lắng”, ông Thắng cho biết.

Theo D.N.HÀ – Tuổi Trẻ