Thủ phủ công nghệ Mỹ hóa ‘thành phố ma’

Những chuyến xe buýt trên đường đi làm hàng ngày của Melissa Paulen gần như không bóng người sau khi Covid-19 “càn quét” thành phố Seattle.

“Đây là một thành phố ma, cảm giác thật kỳ quái”, bác sĩ Paulen cho hay. Những khu sảnh tại Trung tâm Y tế Đại học Washington ở thành phố Seattle, bang Washington, nơi Paulen làm việc, cũng trở nên hoang vắng. Các nhân viên không thiết yếu đang làm việc tại nhà, trong khi du khách bị hạn chế.

Trước khi giới chức khắp đất nước áp lệnh hoặc khuyến cáo đóng cửa các doanh nghiệp, Seattle, thành phố lớn đầu tiên của Mỹ bị Covid-19 tấn công, đã phải tiến hành các biện pháp đối phó đại dịch. Một số người dự đoán khung cảnh toàn bộ nước Mỹ những tuần tới có thể tương tự Seattle.

Đường phố vắng vẻ tại trung tâm thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ hôm 16/2. Ảnh: WSJ.
Đường phố vắng vẻ tại trung tâm thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ hôm 16/2. Ảnh: WSJ.

Dân văn phòng trong thành phố đã làm việc từ xa hai tuần qua, khiến các tòa nhà ở khu vực trung tâm gần như không có người, trừ nhân viên bảo vệ và dọn dẹp. Một số quán cà phê cất toàn bộ bàn ghế nhằm tránh sự chú ý của người dân.

Quảng trường Pioneer, trung tâm thương mại của thành phố, cũng chỉ lác đác vài người vô gia cư. Do lo ngại nguy cơ trộm cắp, các cửa hàng đóng cửa còn treo biển cho biết bên trong không còn tiền mặt.  

Vùng đô thị Seattle, với gần 4 triệu dân, là khu vực kinh tế lớn thứ 11 của Mỹ và phát triển nhanh thứ ba cả nước. Trước khi Covid-19 bùng phát, khu vực này đang mở rộng nhanh chóng nhờ sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ, với sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Facebook.  

GDP của “thủ phủ công nghệ” này đạt tới 356 tỷ USD trong năm 2018, tăng 6,9% so với năm trước đó, hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của cả nước. Kể từ năm 2010, hơn 300.000 việc làm mới đã xuất hiện tại khu vực trung tâm Seattle, tương đương mức tăng 50%.

Tuy nhiên, đà phát triển của Seattle vấp phải loạt rào cản từ Covid-19, khi bang Washington trở thành một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch, với hơn 1.000 ca nhiễm nCoV và gần 70 người chết. Các doanh nghiệp giờ đây rơi vào bế tắc. Nhiều nhà hàng ế ẩm tự nguyện đóng cửa trước cả khi chính quyền yêu cầu họ hạn chế nhận đơn hàng hôm 16/3.

Du khách không còn lui tới khu chợ Pike Place nằm dọc theo bờ sông Elliott Bay nổi tiếng của thành phố. Những người bán hàng cho biết họ cũng phải giao hàng tận nơi thay vì bán trực tiếp như trước đây.

Traci Calderon, chủ căn bếp thương mại Atrium Kitchen, nơi người dân thuê để nấu ăn, tổ chức lớp học ẩm thực hoặc một số sự kiện, cho biết khách hàng bắt đầu hủy chỗ từ hai tuần trước. Giờ đây, tất cả lịch đặt chỗ cho tới tháng 7 đều không còn. “Một số người nói rằng họ lỗ khoảng 70%, còn tôi mất trắng”, bà Calderon bật khóc.

Bất chấp tình hình dịch bệnh, việc “kìm chân” người dân Seattle trong nhà dường như vẫn là nhiệm vụ khó khăn với chính quyền khi không có các biện pháp quyết liệt. Thêm vào đó, quan niệm về “việc thiết yếu” vô cùng đa dạng.  

Ian Sowle đã làm việc tại nhà hai tuần nay. Tuy nhiên, hôm 16/3 anh quyết định vào trung tâm thành phố. “Tôi phải đi cắt tóc trước khi họ đóng cửa chỗ này hai tháng”, người đàn ông cho hay. Tại những công viên gần Đại học Washington, nhiều người dân vẫn đi bộ và trẻ em chơi đá bóng.

Suốt tuần qua, Julie Ramone và Nick Vukmer cũng làm việc trong căn hộ một phòng ngủ của họ. Khu phố trở nên ồn ào hơn bao giờ hết vào ban ngày, khi các cư dân làm việc tại nhà ra ngoài để nghỉ ngơi giữa giờ.

“Tuần trước chúng tôi đến một quán cà phê và nó chật cứng”, Ramone cho hay, nói thêm rằng cô và Vukmer đã đi trượt tuyết với bạn bè hồi cuối tuần để thoát khỏi thành phố. Họ còn dự định tiếp tục chạy bộ tại công viên gần nhà.

Katie Enarson, cư dân khác tại Seattle, cho biết cô và chồng vừa làm việc tại nhà, vừa chăm sóc hai con trai 4 và 6 tuổi bởi trường học đã đóng cửa. Họ chưa tới chỗ đông người nào hơn một tuần qua, đồng thời đặt trước đồ ở tiệm tạp hóa và đến tận nơi lấy.

Tuy nhiên, không phải ai trong gia đình Enarson cũng chịu đựng được sự gò bò như vậy. Ông của chồng cô, người đã ngoài 80, khăng khăng đòi đi mua hàng trực tiếp để có thể trao đổi với người bán. Trong khi đó, người bố 68 tuổi của Enarson tuần trước vừa phỏng vấn xin việc, dù năm ngoái ông bị viêm phổi.

Bản thân Enarson, người đang cố gắng tránh hầu hết tiếp xúc xã hội, vẫn đưa các con đến công viên và để chúng chơi bóng đá, bóng rổ với trẻ em hàng xóm. Cô đặt ra những quy tắc mới cho các con, như rửa tay trước khi rời khỏi nhà và trở về, không đi vào nhà người khác, không vật nhau.

Các bậc phụ huynh khác trong khu phố cũng đồng tình rằng họ không thể để con mình bị tách biệt hoàn toàn. “Không ai biết chính xác phải làm mọi thứ như thế nào. Chưa ai từng trải qua chuyện này”, Enarson nói.

Ánh Ngọc (Theo WSJ) – Vnexpress