Thỏa thuận thương mại chưa thoả mãn doanh nghiệp Mỹ

Các doanh nghiệp nói việc Mỹ – Trung ký thỏa thuận giai đoạn một là tốt nhưng muốn thuế quan sớm thực sự chấm dứt.

Các doanh nghiệp lập tức có phản hồi tích cực sau khi Mỹ – Trung chính thức ký hiệp định thương mại giai đoạn một. David Solomon, Giám đốc điều hành Goldman Sachs, cho biết việc ký kết thỏa thuận tạo nền tảng hỗ trợ cho thị trường tốt hơn so với một năm trước.

Một luật sư của Intel kỳ vọng thỏa thuận sẽ dẫn đến hợp tác thương mại lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Giám đốc điều hành Boeing, David Calhoun, bình luận rằng lãnh đạo hai nước đang đến với nhau để xây dựng mối quan hệ thương mại công bằng và đôi bên có lợi.

Joe Hinrichs, Chủ tịch Ford, cho biết nhà sản xuất ôtô này được khích lệ bởi những nỗ lực của cả hai chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề còn lại thông qua các cuộc đàm phán tiếp theo.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Donald Trump tại lễ ký thoả thuận thương mại giai đoạn 1. Ảnh: AFP
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Donald Trump tại lễ ký thoả thuận thương mại giai đoạn 1. Ảnh: AFP

Các nhóm thương mại đại diện cho doanh nghiệp ở Washington D.C cũng khen ngợi hai chính phủ khi xây dựng lại niềm tin và khôi phục sự ổn định trong mối quan hệ thương mại quan trọng nhất của thế giới”, ông Thomas J. Donohue, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ, cho biết. “Thỏa thuận này cung cấp sự chắc chắn rất cần thiết cho các doanh nghiệp Mỹ khi bắt đầu năm mới”, ông nói thêm.

Cinnamon Rogers, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Điện toán, cho biết thỏa thuận này báo hiệu một bước ngoặt cho ngành công nghệ Mỹ. Nó bao gồm các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn và trừng phạt đối với hành vi trộm cắp công nghệ. Đồng thời, hiệp định cũng giúp các doanh nghiệp dễ thuyết phục nhà chức trách mở các cuộc điều tra hình sự khi có vi phạm xảy ra ở Trung Quốc.

Bà Cinnamon Rogers cũng kêu gọi chính quyền tiếp tục thúc đẩy thực thi mạnh mẽ các cam kết của Trung Quốc và hướng tới một thỏa thuận thứ hai, đặt ra các điều khoản cải cách lớn hơn.

Tuy nhiên, khen ngợi cũng có chừng mực. Một số chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức kỳ vọng nhiều hơn vào triển vọng đàm phán giai đoạn tới. Họ cũng còn chút hồ nghi về mức độ tuân thủ của Trung Quốc.

“Cuộc chiến thương mại sẽ hoàn toàn kết thúc khi tất cả thuế quan không còn nữa”, Chủ tịch Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ Matthew Shay, bình luận khi chứng kiến buổi ký kết.

Một phát ngôn viên của Walmart, cho biết nhà bán lẻ rất hài lòng với việc ký kết nhưng hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ dẫn đến một thỏa thuận toàn diện cho phép loại bỏ tất cả các mức thuế.

“Về mặt lý thuyết, tất cả nghe có vẻ tuyệt vời”, Dan Harris, một luật sư ở Seattle, chuyên tư vấn cho các công ty hoạt động tại Trung Quốc, nhận xét. “Vấn đề là, Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về việc đưa những thứ rất đẹp vào luật, đặc biệt là luật sở hữu trí tuệ, và sau đó không tuân theo, khi mà họ không muốn”, ông lưu ý.

Thuế quan của Tổng thống Donald Trump vẫn duy trì lên khoảng 370 tỷ USD các mặt hàng Trung Quốc, mặc dù gần đây ông đã đồng ý cắt giảm thuế suất một nửa, xuống còn 7,5% từ 15% đối với một số loại hàng hóa.

Tại buổi ký kết hôm thứ tư, ông hứa sẽ xóa bỏ thuế quan nếu Mỹ – Trung có thể đạt được thỏa thuận về những thay đổi chính sách kinh tế sâu rộng hơn trong vòng đàm phán tiếp theo.

“Việc thực thi thỏa thuận này sẽ rất quan trọng. Hơn nữa, thỏa thuận giai đoạn một nên được nhanh chóng nối tiếp bởi các cuộc đàm phán giai đoạn hai về các vấn đề còn lại”, Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ – Trung cho biết.

Các quan chức tại Business Roundtable cho biết sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện thỏa thuận và hỗ trợ đàm phán giai đoạn kế để giải quyết các hành vi đầu tư và thương mại không công bằng.

Mức độ hài lòng về hiệp định giai đoạn 1 trong các ngành công nghiệp Mỹ cũng khác nhau.

Trong khi các công ty điện tử được hưởng lợi từ thuế quan nhẹ hơn, chính quyền Trump không có kế hoạch giảm hạn chế với việc bán chip cho một số công ty lớn nhất của Trung Quốc.

Điều này đã làm tổn hại đến doanh thu của các công ty chip. Theo đó, chỉ số của nhóm các cổ phiếu bán dẫn lớn đã giảm hơn 1% khi thị trường đóng cửa vào thứ tư, mặc dù thị trường tăng mạnh hơn sau khi thỏa thuận được ký.

Ngành giày dép chịu nhiều thiệt hại từ thương chiến Mỹ - Trung. Ảnh: Zuma Press
Ngành giày dép chịu nhiều thiệt hại từ thương chiến Mỹ – Trung. Ảnh: Zuma Press

Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ là một trong số ít các nhóm đưa ra khiếu nại về các chi tiết trong thỏa thuận. Chủ tịch và Giám đốc điều hành Steve Lamar cho biết kế hoạch của Mỹ là sử dụng thuế quan như một cơ chế thực thi trong tương lai, có thể gây tổn hại thêm cho người tiêu dùng.

“Chúng tôi không coi việc đánh thuế công dân Mỹ là một cách hiệu quả để thay đổi chính sách và thực tiễn ở Trung Quốc”, ông Lamar nói.

Chủ tịch Phân phối và Bán lẻ Giày dép Mỹ Matt Priest nói thuế quan làm tăng chi phí đối với người tiêu dùng và làm tổn thương các gia đình lao động. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đã nói rằng thuế quan với giày không nên được sử dụng làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra này”, ông nói.

Hiệp hội Công nghiệp ngoài trời, đại diện cho hơn 1.300 nhà sản xuất, cung cấp và bán lẻ trong lĩnh vực giải trí, ước tính rằng các công ty của họ đã trả 7,7 tỷ USD thuế quan cho các sản phẩm từ Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 11/2019, tăng từ 5,2 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2018.

Phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ của Hiệp hội, Patricia Rojas-Ungar, hoan nghênh thỏa thuận này nhưng cho biết tổ chức của cô sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xóa bỏ thuế quan.

Các nhà sản xuất ethanol thuộc số ít các nhóm hài lòng về thỏa thuận. Cộng đồng nông dân gần như mất thị trường Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Giờ họ là một trong những người giành chiến thắng lớn nhất vì bảo đảm tăng hàng tỷ USD xuất khẩu nông sản và thực phẩm sang Trung Quốc.

“Các nhà sản xuất ethanol Mỹ đã trải qua những thiệt hại kinh tế đáng kể do thuế Trung Quốc trừng phạt với các sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi rất mong muốn quay lại mối quan hệ thương mại cởi mở hơn với Trung Quốc”, Geoff Cooper, lãnh đạo của Hiệp hội Nhiên liệu tái tạo, nói.

Nhìn chung, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán căng thẳng giữa hai gã khổng lồ kinh tế sẽ vẫn là lực cản tài chính với hoạt động trong ngắn hạn.

“Chúng tôi đang dự đoán việc kinh doanh trên giả định rằng chủ nghĩa bảo hộ ở một mức độ nào đó sẽ vẫn còn. Chúng tôi thích thị trường mở hơn, giao dịch mở hơn”, Ricaurte Vasquez, Nhà quản trị của Panama Canal cho biết.

Phiên An (theo Wall Street Journal) – Vnexpress