Thịt thỏ – món ăn của bậc đế vương

Xa xưa, thịt thỏ được chế biến theo nhiều cách phục vụ vua chúa do hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, có thể chữa bệnh.

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết thịt thỏ là thực phẩm thông dụng đối với nền ẩm thực của nhiều nước trên thế giới, nhất là châu Âu và châu Mỹ. Việc ăn thịt những con thỏ đầu tiên được tìm thấy ở vùng đất tên là Hispania (nay là Tây Ban Nha) vào năm 3.000 TCN bởi những người thủy thủ châu Âu. Sau đó, người La Mã sử dụng thịt thỏ cho các bữa ăn của binh sĩ. Đến thời trung cổ, phụ nữ nuôi thỏ ăn thịt và lấy lông làm áo, thậm chí còn có món ăn từ thỏ sữa hay còn trong bào thai, gọi là “Laurices”.

Cuối thế kỷ 14, người ta chế biến thỏ theo cách nướng nguyên con, ăn với nước sốt gừng hay ướp với mù tạt, với mận theo kiểu Bỉ, với hạt tiêu, nước dừa, sốt đậu phộng theo kiểu Nam Mỹ hay món ăn nổi tiếng của người Pháp nấu nước sốt sền sệt, có tên Civet lapin (món thỏ nấu rượu chát). Thỏ là món ăn sang trọng và đắt tiền thời đó.

Thế kỷ 16, vua Henry VIII giao cho con gái là Nữ hoàng Elizabeth, cai quản “hòn đảo thỏ”, nơi có các sông và hồ, rất thích hợp cho thỏ sinh sôi. Vào thế kỷ 17, các nhà thám hiểm thế giới đi tàu trên các đại dương thường có thói quen đem theo thỏ và thả chúng trên các đảo nơi họ ghé qua để mỗi khi trở lại sẽ có thịt ăn. Thói quen này giúp đưa thỏ đến khắp nơi trên thế giới, từ sa mạc đến vùng núi cao, thậm chí ở khu vực Bắc cực thỏ sống trên rong biển. Thuyền trưởng James Cook, Anh, là người đầu tiên đưa con thỏ từ châu Âu đến Australia vào những năm 1770.

Theo lương y Sáng, sở dĩ thịt thỏ được ưa chuộng đến vậy bởi nó là loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, hơn nhiều loại thịt trắng hay thịt đỏ khác. Hàm lượng protein trong thịt thỏ khoảng 21,5%, cao gấp đôi hàm lượng protein ở thịt heo, thịt dê, hơn 18,7% ở thịt bò và hơn 33% ở thịt gà. Trong khi đó hàm lượng mỡ lại chỉ có 0,4%, bằng 1/16 ở thịt lợn, 1/7 ở thịt dê và bằng 1/5 ở thịt bò. Về hàm lượng cholesterol, cứ 100 g thịt thỏ thì có khoảng 60-80 mg, thấp hơn các loại thịt khác. Hàm lượng cholesterol thấp, có Ca, S, P, Na và các vitamin; có ovophospholipid có tác dụng bảo vệ thành mạch, chống xơ hóa. 

Một chiếc đùi thỏ, có thể cung cấp 30% Omega-3 nhu cầu trong ngày (cao gấp 3 lần các loại thịt khác), và hầu như không có cholesterol. Bên cạnh đó, các nhóm vitamin B dồi dào bảo vệ hệ thần kinh và giúp cơ bắp phát triển tốt, có lợi cho quá trình tái tạo tế bào. Ngoài ra, thịt thỏ còn chứa nhiều chất lecithin, có tác dụng bảo vệ mạch máu, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch. Dinh dưỡng của thịt thỏ phù hợp với người bị bệnh thận vì nó chứa rất ít natri. Thịt thỏ hơn các loại thịt trắng khác ở chỗ, nó rất ít chất béo, lại có một tỷ lệ phần trăm cao các loại protein dễ tiêu hóa, ít collagen nên rất mềm.

Trong thế chiến I và II, chính phủ nhiều nước khuyến khích người dân nuôi thỏ để nâng cao chất lượng bữa ăn. Giai đoạn này, các món thỏ phổ biến khắp thế giới và dễ kiếm như thịt gà bây giờ. Tuy nhiên, sau thế chiến II khi các loại thịt khác trở nên sẵn có thì nhu cầu về thịt thỏ giảm đáng kể và dần dần không được ưa chuộng nữa.

Thịt thỏ là món ăn sang trọng của người xưa. Ảnh: Gurgaon Foodie.
Thịt thỏ là món ăn sang trọng của người xưa. Ảnh: Gurgaon Foodie.

Theo Đông y, thịt thỏ tính mát, bổ gân, mát máu, ích khí, mượt da, giải độc, khử nhiệt. Thịt thỏ có vị ngọt, tính bình, vào tỳ vị và đại tràng, có tác dụng bổ trung ích khí, hoạt huyết giải độc, làm tăng hoạt tính của tế bào da, tăng tính đàn hồi của da. Với người cao huyết áp, thịt thỏ ngăn chặn hình thành các cục máu đông do tăng cường tiểu cầu trong máu. Ngoài tác dụng trẻ hóa da phụ nữ, thịt thỏ còn rất tốt cho người cao huyết áp hoặc có bệnh gan, tiểu đường. 

Cả thịt thỏ, gan thỏ, tiết thỏ, lông thỏ, xương thỏ đều có tác dụng chữa bệnh. Trong đó, gan thỏ có vị ngọt mặn, tính hàn và tác dụng bổ gan, làm sáng mắt, chữa choáng váng, mắt mờ có màng mộng, đau mắt do gan yếu. Tiết thỏ cũng vị mặn, tính hàn, không độc nên tác dụng hoạt huyết lương huyết, chữa các chứng ngộ độc. Da lông thỏ (thỏ bì mao) đốt tồn tính rắc vết thương, vết bỏng. Thịt thỏ dùng rất tốt cho các trường hợp suy kiệt gầy sút, người mới ốm dậy, nôn ói, táo bón, đại tiện xuất huyết và đái tháo đường.

Đến những năm 1980, thỏ lại được nuôi rộng rãi và thịt của nó có mặt trong các nhà hàng sang trọng và trở thành một món ăn bổ dưỡng, hấp dẫn. Tuy thỏ là món ăn lâu đời, phổ biến ở các châu lục khác, nhưng riêng ở châu Á, mãi thế kỷ 18 thịt thỏ mới có mặt và được nuôi quy mô nhỏ trong gia đình song không phải là món ăn thịnh hành ở các nhà hàng.

Ngày nay, có hơn 800 hòn đảo thỏ trong các đại dương và hồ nước trên thế giới. Thịt thỏ là một phần không thể thiếu trong đặc trưng văn hóa ẩm thực ở nhiều quốc gia. Có thể kể đến những món ăn nổi tiếng làm từ thịt thỏ như món “Coniglio alla cacciatora” (thỏ hầm của thợ săn) là món ăn rất phổ biến ở Italy. Ở Tây Ban Nha, có một món ăn tương tự với tên gọi “Conejo a la cazadora” cũng rất được ưa chuộng, hay như món “Lapin a la cocotte” (Rabbit casserole) nổi tiếng làm từ thịt thỏ của Pháp. Thịt thỏ là loại thực phẩm có rất nhiều cách chế biến khác nhau và được chế biến thành nhiều món như thỏ xào sả ớt, thỏ nấu chao, cà-ri thỏ, thịt thỏ rôti, thỏ nấu giả cầy…

Đông y có nhiều món ăn, bài thuốc từ thịt thỏ chữa bệnh dựa trên những thành phần dinh dưỡng, như:

Canh thịt thỏ bồi bổ cơ thể gồm: thịt thỏ 120 g, đẳng sâm 30 g, sơn dược 30 g, táo đỏ 30 g, câu kỷ tử 15 g cùng với hành, gừng, rượu vang, muối, nấu thành canh ăn. Khi ăn thì bỏ hành, gừng, ăn thịt thỏ uống nước canh; đẳng sâm, sơn dược, câu kỷ và táo cũng có thể ăn. Loại canh này có tác dụng tăng cường trí tuệ, bổ dưỡng thần kinh, bổ tì vị, tăng khí huyết, rất thích hợp với những người cơ thể suy nhược do ốm lâu, người gầy yếu, mất sức, hụt hơi, ăn ít.

Câu kỷ tử kết hợp cùng thịt thỏ là món ăn cho người đái tháo đường. Câu kỷ tử vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ gan bổ thận, lợi tinh và sáng mắt, có tác dụng hạ đường huyết rất tốt. Cách làm: câu kỷ tử 15 g, thịt thỏ 250 g cho vào nồi rồi đổ nước hầm nhỏ lửa cho đến khi thỏ chín thì cho thêm muối, mì chính… Ăn một lần trong ngày, dùng 10 ngày một đợt.

Thịt thỏ 200 g, thái nhỏ, hấp cách thủy hoặc nấu chín nhừ với táo tàu (20 g), ăn nóng. Mỗi ngày hoặc cách ngày ăn một lần, 10 ngày là một liệu trình trị suy nhược cơ thể sau khi bệnh, phụ nữ huyết hư, gầy yếu. Có thể nghỉ vài ngày rồi tiếp tục cho đến khi phục hồi sức khỏe.

Thịt thỏ 500 g, mè (vừng) đen 30 g, hành, gừng, muối, dầu vừng, nấu thành canh, ăn cả nước lẫn thịt trị can thận bất túc (tóc bạc sớm, người gầy còm khô, bí đại tiện, đau lưng mỏi gối, thần kinh mệt mỏi, tay chân mềm yếu)

Xương thỏ phơi khô, tán bột rắc trị mụn nhọt, ghẻ lở. Gan thỏ (thỏ can) có vị ngọt, đắng, mặn, tính hàn, có tác dụng bổ gan. Ngày dùng 16-20 g gan phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn.

Trị chứng bệnh bội nhiễm (do điều trị ung thư bằng tia phóng xạ gây nên), bệnh ở mạch vành của tim, xơ cứng mạch máu, bị trẹo (bong gân) đau vùng thắt lưng, chân tay tê, mất ngủ và hay mộng mị, cao huyết áp. Bài thuốc: bách hợp 12 g, tam thất sâm 6 g, thịt thỏ 200 g. Cho cả ba thứ vào trong nồi, cho nước vừa phải vào đun sôi xong để nhỏ lửa cho sôi đến khi thịt chín nhừ, cho gia vị vào là được. Mỗi tuần ăn 2-3 lần.

Thúy Quỳnh – Vnexpress