Theresa May – Thủ tướng Anh trỗi dậy và bị ‘nhấn chìm’ bởi Brexit

Bà May nắm quyền sau khi người tiền nhiệm từ chức vì Brexit nhưng chính bế tắc về thỏa thuận Brexit đã khiến bà phải rời ghế.

Năm 2016, Theresa May nhậm chức với mục tiêu là dẫn dắt Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ba năm sau, Anh vẫn ở trong EU và thời gian bà May ở lại số 10 phố Downing sắp kết thúc. Ngày 24/5, bà tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6. Bà sẽ giữ chức thủ tướng Anh cho đến khi đảng Bảo thủ chọn ra người kế nhiệm vào tháng 7.

Bà May sinh ngày 1/10/1956 tại Eastbourne, thị trấn ven biển ở miền nam nước Anh. Từ năm 12 tuổi, bà đã có mong muốn trở thành chính trị gia. Bà tốt nghiệp Đại học Oxford trước khi được bầu vào quốc hội năm 1997.

La premiere ministre britannique Theresa May qui demissionne Elle quittera ses fonctions le 07 Juin 2019

Theresa May trở thành chủ tịch đảng Bảo thủ vào năm 2002, gây ấn tượng khi nói tại hội nghị đảng thường niên rằng đảng Bảo thủ cần thay đổi hình ảnh “khó chịu” của mình nếu họ muốn vượt qua Công đảng của Thủ tướng Anh thời đó là Tony Blair. Tuy nhiên, bà May không phải là một người có tài ăn nói và vận động chính trị. Bà được dư luận Anh đặt biệt danh là Maybot – ghép tên bà với chữ robot để giễu cợt sự cứng nhắc của bà khi xuất hiện trước công chúng.

Năm 2010 – 2016, bà giữ chức bộ trưởng nội vụ, chịu trách nhiệm các vấn đề biên giới, nhập cư, luật pháp và trật tự. Bà nhấn mạnh không dung thứ cho việc nhập cư bất hợp pháp.

Năm 2016, Thủ tướng Anh David Cameron từ chức sau khi Anh trưng cầu dân ý, quyết định rời khỏi EU. Bà đã đánh bại các chính trị gia nổi tiếng hơn, bao gồm người dẫn đầu phong trào Brexit Boris Johnson để trở thành nữ thủ tướng thứ hai của Anh, sau Margaret Thatcher.

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách thủ tướng tháng 7/2016, May vạch ra chương trình nghị sự đầy tham vọng. Bà nói về việc giúp đỡ người nghèo, chiến đấu với những “bất công cháy âm ỉ” trong xã hội Anh. Tuy nhiên, bà không đạt được nhiều thành tựu vì vấn đề Brexit đã chiếm hầu hết thời gian làm việc của bà.

Mặc dù từng vận động Anh ở lại EU, sau khi lên nắm quyền, bà May khẳng định sẽ không đảo ngược Brexit. Để giành được sự ủng hộ từ những người ủng hộ Brexit còn hoài nghi về bà, Theresa May nhấn mạnh Anh sẽ rời khỏi thị trường chung của khối và chấm dứt việc tự động cấp quyền cho công dân EU sống và làm việc ở Anh.

Trong một thời gian ngắn, bà May đã khiến các phe phái trong nội bộ đảng Bảo thủ đoàn kết, sau nhiều thập niên họ bị chia rẽ về chính sách đối với châu Âu. Nhưng sau đó, bà tự đưa mình vào “ván cược” lớn bằng cách tổ chức bầu cử sớm vào tháng 6/2017, với mong muốn tăng số ghế đảng của mình tại quốc hội nhằm củng cố quyền lực của bà trong các cuộc đàm phán Brexit với EU.

Quyết định này phản tác dụng, đảng Bảo thủ mất thế đa số ở quốc hội. Bà phải liên minh với 10 nhà lập pháp từ đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland để tiếp tục nắm quyền. Kể từ đó, bà phải mất nhiều công sức để duy trì mối quan hệ giữa hai đảng.

Tháng 11/2018, Theresa May ký thỏa thuận Brexit với EU, đưa ra các điều khoản về sự ra đi của Anh và thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp gần hai năm để hai bên xây dựng mối quan hệ trong tương lai.

Thỏa thuận này cần được quốc hội Anh thông qua và đó là nơi “ác mộng” của Theresa May bắt đầu.

Thỏa thuận mà bà ký với EU bị nhiều nghị sĩ phản đối. Một số người cho rằng Anh đã nhượng bộ quá nhiều và nó vẫn khiến Anh bị ràng buộc với các quy tắc của EU. Trong khi đó, các nghị sĩ thân EU muốn có một Brexit nhẹ nhàng hơn, vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với khối.

Hồi tháng một, thỏa thuận Brexit của bà May bị quốc hội Anh bác bỏ với tỷ lệ 432 phiếu chống và 230 phiếu thuận – thất bại lớn nhất của chính phủ trong lịch sử quốc hội Anh.

Nữ thủ tướng không phải là người dễ dàng bỏ cuộc. Bà tiếp tục đưa thỏa thuận ra quốc hội thêm hai lần nhưng vẫn thất bại.

Bà cố gắng đàm phán với Công đảng để đạt được thỏa hiệp, nhưng động thái đó làm các nghị sĩ trong đảng của bà phật lòng vì họ cho rằng bà nhượng bộ phe đối lập. Bà gợi ý để quốc hội Anh biểu quyết xem có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc đi hay ở EU hay không. Động thái này là “giọt nước tràn ly”, khiến một lượng lớn thành viên đảng Bảo thủ cho rằng nữ thủ tướng cần rời ghế trước khi vấn đề Brexit ngã ngũ.

Theresa May chống lại những lời kêu gọi từ chức và tiếp tục lên kế hoạch trình thỏa thuận Brexit ra quốc hội lần thứ tư. Tuy nhiên, áp lực cuối cùng trở nên không thể cưỡng lại. Ngày 24/5, bà thông báo kế hoạch từ chức sau gần ba năm cầm quyền. EU cho biết việc bà rời ghế sẽ không tạo ra thay đổi với các cuộc đàm phán Brexit.

Nhiều chuyên gia chỉ trích bà May là một thủ tướng thất bại, không thể thực hiện được nhiệm vụ chính của mình. Nhưng bà cũng sẽ được nhớ đến là một lãnh đạo đối mặt với tình huống khó khăn ngay từ khi nhậm chức và đã cố gắng giữ vững quyết tâm.

“Bà ấy kế thừa di sản tồi tệ từ người tiền nhiệm và bà ấy cũng đối phó với nó rất tệ”, Steven Fielding, giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Nottingham, nói.

Phương Vũ (Theo AP) – Vnexpress

Để lại một bình luận