Thêm tuyến cáp quang biển APG đứt

Cáp quang biển APG trục trặc trong khi sự cố cáp AAG từ ngày 14/5 chưa khắc phục xong khiến truy cập Internet quốc tế từ Việt Nam chậm. 

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam xác nhận tuyến cáp quang biển Asis Pacific Gateway (APG) gặp sự cố trên đoạn S1.7 từ ngày 23/5, gây mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Nguyên nhân chưa được xác định và kế hoạch sửa chữa, khắc phục cụ thể cũng chưa được công bố.

APG là một trong năm tuyến cáp quang chính kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Cáp được vận hành từ cuối năm 2016 và có sự tham gia của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom. APG là tuyến cáp quan trọng và có tính ổn định cao. Trước khi APG gặp sự cố, tuyến cáp AAG cũng trục trặc từ giữa tháng 5 và dự kiến ngày 2/6 việc sửa chữa mới hoàn tất.

Sau sự cố đứt cáp APG, ốc độ mạng Internet tại một số gia đình bị ảnh hưởng, tốc độ chậm hơn nhiều ngày thường, thấp hơn nhiều mạng 4G.
Sau sự cố đứt cáp APG, tốc độ mạng Internet tại một số gia đình bị ảnh hưởng, chậm đi nhiều ngày thường và thấp hơn nhiều tốc độ dịch vụ 4G. Ảnh: Tuấn Anh

Việc cả hai tuyến cáp quang quốc tế đứt cùng lúc đã ảnh hưởng tới tốc độ Internet tại Việt Nam. 

Thử nghiệm tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, ghi nhận tình trạng khó truy cập vào Facebook và Google, ngay cả tìm kiếm thông tin trên Google cũng mất vài chục giây. Các dịch vụ lưu trữ như Google Photo và Google Drive không thể sử dụng được vì quá chậm. Ứng dụng xem video YouTube Kids trên máy tính bảng không chạy được. 

Không chỉ kết nối mạng đi quốc tế bị ảnh hưởng, việc đo tốc độ kết nối mạng cũng khó thực hiện được. Thử nghiệm tại quận Tây Hồ (Hà Nội), trong sáng 24/5 bằng công cụ Fast, tốc độ gói Internet 65 Mb/giây đạt 9,6 Mb/giây. Kết quả từ hệ thống đo chất lượng truy cập Internet Việt Nam Vnix cho kết quả 18,86 Mb/giây, thấp hơn 3 đến 5 lần thông thường.

Trong khi Internet cáp quang trục trặc, kết nối Internet qua 4G trên điện thoại vẫn bình thường, truy cập một số dịch vụ quốc tế như Facebook hay Google, YouTube không nhận thấy ảnh hưởng. 

Tuấn Anh – Vnexpress