Bất chấp hành động trấn áp của lực lượng an ninh, người biểu tình Myanmar hôm 15/3 tiếp tục xuống đường phản đối đảo chính. Ít nhất 20 người đã chết trong các cuộc biểu tình, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).
“Thương vong đang tăng đáng kể”, AAPP hôm nay cho hay, thêm rằng hơn 180 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2.
Phần lớn người chết hôm qua là những người biểu tình chống đảo chính, nhưng có một số là dân thường “thậm chí không tham gia biểu tình”. Các trường hợp tử vong phần lớn ở miền trung, trong khi thành phố Yangon cũng báo cáo thêm ba người chết, gồm hai phụ nữ ở trong nhà bị trúng đạn khi lực lượng an ninh nổ súng trên đường phố.
“Hai người đàn ông bị bắn chết và 6 người khác bị thương”, một nhân chứng ở thị trấn Aunglan, vùng Magway nói, thêm rằng một trong số những người thiệt mạng bị bắn vào ngực. “Anh ấy ở ngay cạnh tôi. Một người khác bị bắn vào đầu”.
Sáu trường hợp tử vong được báo cáo tại thành phố Myingyan. “Trong số những người thiệt mạng có ba người bị bắn, gồm một phụ nữ”, một người dân Myingyan cho biết.
Theo truyền thông nhà nước Myanmar, một người biểu tình chết ở thành phố Monywa. Bác sĩ địa phương và phóng viên khẳng định hai thanh niên khoảng 20 tuổi bị bắn chết “tại chỗ” ở Mandalay.
Liên Hợp Quốc cho biết hơn 2.150 người bị bắt giam tính đến 13/3, trong đó hơn 300 người đã được thả.
“Mỹ tiếp tục kêu gọi các tất cả các nước có hành động cụ thể để phản đối đảo chính và bạo lực leo thang”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nói với phóng viên hôm 15/3.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, “gồm các thành viên trong khu vực, đoàn kết với người dân Myanmar và nguyện vọng dân chủ của họ”. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener lên án vụ trấn áp đẫm máu hôm 14/3, trong khi Anh cho biết nước này “kinh hoàng” trước vũ lực “nhằm vào người vô tội”.
Nhiều nhà máy có vốn Trung Quốc tại thành phố Yangon bị đốt, đập phá hôm 14/3, khiến lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình, làm hàng chục người chết. Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về các vụ đốt phá này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên mô tả vụ bạo lực là “kinh khủng”. Trung Quốc “rất lo ngại tác động đối với sự an toàn của các tổ chức và nhân viên Trung Quốc”, ông Triệu nói, đồng thời cho biết lực lượng an ninh Myanmar đã được tăng cường xung quanh các nhà máy.
Chính quyền quân sự Myanmar cho đến nay không có dấu hiệu thực hiện những kêu gọi kiềm chế bạo lực. Hiện 6 quận ở Yangon bị áp lệnh thiết quân luật, đồng nghĩa những người bị bắt tại đây sẽ bị tòa án quân sự xét xử thay vì tòa án dân sự, với mức án từ ba năm lao động khổ sai đến tử hình.
Myanmar đang trải qua chuỗi ngày hỗn loạn sau khi quân đội tiến hành đảo chính, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà. Phiên điều trần qua video lần hai hôm nay đối với bà Suu Kyi bị hoãn đến 24/3 do vấn đề về mạng.
Huyền Lê (Theo AFP) – Vnexpress