Quyết định dỡ bức tượng của Calhoun (1782-1850), phó tổng thống Mỹ thứ bảy, được các ủy viên hội đồng thành phố Charleston, bang Nam Carolina, thông qua tối 23/6 với 13 phiếu thuận, 0 phiếu chống. Bức tượng được đặt trên cột trụ cao 30m sẽ bị đưa khỏi quảng trường trung tâm thành phố Marion.
Giới chức Charleston cho biết thêm bức tượng của Calhoun sẽ được đặt vĩnh viễn tại một địa điểm thích hợp, nơi nó sẽ được “bảo vệ và bảo tồn”. Thị trưởng thành phố John Tecklenburg dự đoán bức tượng sẽ được đưa đến một bảo tàng địa phương hoặc tổ chức giáo dục.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra một tuần sau khi Thị trưởng Tecklenburg tuyên bố gửi đề nghị dỡ tượng của cựu phó tổng thống Mỹ lên hội đồng thành phố. Tecklenburg cũng tham gia bỏ phiếu hôm 23/6.
“Tôi tin rằng chúng tôi đang viết một chương mới công bằng hơn trong trong lịch sử thành phố”, Tecklenburg phát biểu ngay trước khi bỏ phiếu. “Chúng tôi đã hành động đúng. Đó đơn giản là điều đúng đắn để chúng ta thực hiện”.
Ủy viên hội đồng thành phố Karl L. Brady Jr. cho biết hội đồng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản đối dỡ tượng, song ông vẫn bỏ phiếu tán thành điều này vì lương tâm.
“Ở Charleston, chúng tôi đặt chủ nghĩa da trắng thượng đẳng về đúng nơi nó thuộc về, đó là đống tro tàn của lịch sử”, Brady Jr. nói.
Động thái này diễn ra vài ngày sau lễ kỷ niệm lần thứ năm dành cho 9 giáo dân da màu bị sát hại trong một cuộc tấn công phân biệt chủng tộc ở một nhà thờ trung tâm thành phố Charleston. Các thành phố khắp nước Mỹ cũng đang tranh cãi về việc dỡ những bức tượng gây tranh cãi.
Cựu phó tổng thống Mỹ Calhoun là người kiên định ủng hộ chế độ nô lệ. Ông từng nói trong rất nhiều bài phát biểu ở thượng viện Mỹ những năm 1830 rằng “nô lệ ở miền Nam còn tốt hơn nhiều so với người da màu tự do ở miền Bắc” và gọi chế độ nô lệ là “lợi ích tích cực”.
Khoảng 40% nô lệ châu Phi được đưa đến Bắc Mỹ đã qua thành phố cảng Charleston và thành phố đã lên tiếng xin lỗi vào năm 2018 vì vai trò của mình trong buôn bán nô lệ. Chính quyền Charleston cho biết nhiều người không coi bức tượng của Calhoun là đài tưởng niệm thành tựu của một người gốc Nam Carolina, mà là một biểu tượng tôn vinh chế độ nô lệ và là một lời nhắc nhở đau đớn về lịch sử nô lệ ở thành phố.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd đã lan khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Người biểu tình liên tục đòi dỡ bỏ và đập phá những bức tượng lịch sử gây tranh cãi như tượng nhà buôn nô lệ ở Anh, tượng người tìm ra châu Mỹ Christopher Columbus, tượng cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, nói rằng những người biểu tình đã cư xử tồi tệ. Ông cáo buộc đám đông đang cố gắng phá hoại lịch sử và mạo phạm di tích. Trump cũng cảnh báo nghiêm trị bất cứ ai phá hoại các bức tượng hoặc đài tưởng niệm, nói rằng mức phạt có thể lên tới 10 năm tù.
Ngọc Ánh (Theo AP) – Vnexpress