– Sau khi ‘Chị chị em em’ ra mắt, diễn xuất của chị nhận nhiều lời khen và cả không ít lời nhận xét thiếu đột phá. Chị đón nhận những bình luận trái chiều này ra sao?
– Tôi nghĩ khi lựa chọn làm người của công chúng, mình phải chấp nhận hết tất cả ý kiến khen chê. Đó là một “combo” cho người nổi tiếng. Mọi bình luận đều xuất phát từ tư duy sống, cách nhìn nhận của mỗi khán giả. Những người sống trong đè nén nhiều sẽ thấu hiểu sâu được con người của nhân vật Thiên Kim mà tôi đóng.
Cá nhân tôi thì nhận được nhiều phản hồi tốt từ các fan của mình. Đa phần họ đồng cảm, yêu thương, day dứt cho Thiên Kim. Tôi cảm thấy mục tiêu của tôi đã đạt được và cho đó là thành công. Với phim Mẹ chồng của hai năm trước, người xem thấy tôi trong vai một phụ nữ sắc bén, quyền lực, còn Thiên Kim cô đơn, mong manh, yếu đuối hơn, bọc mình lại bằng sự mạnh mẽ, gồng lên cho thấy mình ổn, mình làm được. Vai này đòi hỏi lớp lang tâm lý nên khó hơn vai cô Ba Trân trong Mẹ chồng.
– Nhiều khán giả trên mạng cho rằng, ‘Chị chị em em’ giống một số phim nước ngoài như ‘Parasite’ (‘Ký sinh trùng’), ‘Gone Girl’ (‘Cô gái mất tích’), ‘A Simple Favor’ (‘Lời thỉnh cầu bí ẩn’). Chị ảnh hưởng gì từ các phim này khi đóng vai Thiên Kim?
– Tôi xem Gone Girl lúc phim chiếu ở Việt Nam mấy năm trước. Tôi cũng xem Parasite rồi nhưng khi đó, Chị chị em em đã quay xong. Còn A Simple Favor tôi chưa xem. Chị chị em em có cùng thể loại thriller (giật gân), khó tránh những điểm trùng hợp với các phim đó. Việc học hỏi tác phẩm quốc tế cũng không có gì sai. Nỗ lực và tinh thần mạnh dạn của êkíp trong việc đưa ra đề tài phim lạ ở Việt Nam và làm đúng thể loại là điều đáng ghi nhận.
– Người thân của chị nói gì sau khi xem phim này?
– Mẹ tôi khen Chị chị em em hay, vai của tôi lần này hay hơn trong Mẹ chồng. Mẹ tôi còn rủ hơn 20 người bạn đi xem chung, các cô đều bảo với mẹ tôi: “Con chị táo bạo ghê, nhưng mà nó đẹp, diễn hay”. Ban đầu tôi lo lắm vì tôi không cho mẹ biết về các cảnh “nóng” của mình trong phim. Lúc mẹ tôi đi xem, tôi tự nói với mình: “Chết rồi, không biết ‘cô ấy’ xem mấy cảnh này sẽ nghĩ thế nào, có bị sốc không”. Chưa kể, thể loại và đề tài của Chị chị em em cũng lạ trong thị trường phim Việt, khá kén khán giả. Vậy mà, mẹ tôi thích phim này. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên với phản ứng của “cô ấy”.
Mẹ tôi là người hiểu chuyện, tôn trọng công việc của con gái. Hơn nữa, các cảnh “nóng” chỉ là một lát cắt tạo nên đời sống và tâm lý của Thiên Kim, không phải yếu tố cốt lõi của phim. Xem Chị chị em em, nếu khán giả chỉ nhớ đến các cảnh “nóng” thì phim thất bại. May là mọi người nhớ đến diễn xuất của các diễn viên nhiều hơn.
– Ở bề nổi, Thiên Kim khá giống chị: xinh đẹp, mạnh mẽ, thành đạt, sang chảnh. Tuy nhiên nội tâm cô ấy rất phức tạp, đè nén nhiều nỗi đau và bí mật. Chị có những sự tương đồng nào với nhân vật này?
– Tôi là một diễn viên mà, bắt buộc nhân vật vay mượn ngoại hình của tôi. Nhưng tôi và Thiên Kim hoàn toàn khác nhau. Thiên Kim là người đồng tính, Thanh Hằng đâu có đồng tính. Thiên Kim có gia đình, Thanh Hằng thì chưa. Đạo diễn Kathy Uyên từng hỏi tôi có nỗi sợ hay bí mật gì không, vì đạo diễn và diễn viên cần trò chuyện, hiểu thấu lẫn nhau để cùng nhào nặn nhân vật. Nhưng sự thật tôi không sợ điều gì, không sợ ai, cũng không có chuyện gì cần giấu giếm, trong khi nhân vật thì cất giữ nhiều nỗi sợ và bí mật.
Ban đầu khi Kathy mời tôi đóng Thiên Kim, tôi đã từ chối vì không tự tin đóng các cảnh thân mật nam – nữ và nữ – nữ, cũng không dám chắc hiểu hết tâm lý của người đồng tính. Để vào vai này, tôi đã tìm hiểu nhân vật rất kỹ từ nghề nghiệp tới bối cảnh sống, tính cách, cảm xúc. Nói thật là tôi ngại lắm nhưng vẫn phải hỏi thăm chuyện phòng the của những người bạn LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới), lấy đó làm chất liệu tham khảo để hóa thân. Ngoài ra, tôi đọc thêm các câu chuyện về phá thai trên mạng, tự mình phân tích động cơ dẫn đến việc Thiên Kim bỏ đứa con, tìm hiểu tâm lý của phụ nữ sau khi phá thai.
Thiên Kim có quá nhiều cảm xúc tôi chưa từng trải qua: nội tâm tự mâu thuẫn với chính mình, cố xây dựng mình là một người hoản hảo. Cô ấy khác biệt, mang câu chuyện nhạy cảm, nhưng tôi phải xây dựng cho cô ấy không tầm thường, tạo được sự đồng cảm, chia sẻ nơi khán giả. Nếu người xem nhìn nhận nhân vật này lệch lạc thì mọi thứ sẽ mất hay.
– Chi Pu từng nói, cô ấy rung động với cả chị và Lãnh Thanh khi đóng cảnh “yêu”. Còn chị thì có cảm xúc thế nào khi thể hiện những cảnh quay này với hai bạn diễn?
– Tôi đóng các cảnh “nóng” với Thanh trước, với Chi sau. Cảm xúc đầu tiên luôn rất quan trọng. Sau cảnh hôn với Lãnh Thanh, tôi thấy rõ ràng mình có cảm xúc, nên tôi bắt đầu dè chừng với Thanh vì tôi sợ. Tôi sợ mình gieo niềm tương tư cho bạn diễn và cho chính mình. Câu chuyện trên phim là của nhân vật nhưng cảm xúc đôi khi là thật. Tôi phải tách biệt đâu là nhân vật, đâu là mình và tìm cách thoát vai. Còn với Chi Pu, tôi coi Chi như một người em gái nên diễn thoải mái. Hơn nữa, cảnh này quay sau nên tôi dễ nhập vai hơn. Nhưng mà sau các cảnh “yêu” của Chị chị em em, tôi thấy mình vẫn thích hôn đàn ông hơn phụ nữ (cười).
– Chị từng tâm sự, các cảnh tình dục làm chị “thấy thua”, mệt rũ người. Vậy còn các cảnh bạo lực trong ‘Chị chị em em’ ảnh hưởng đến chị thế nào?
– Không hiểu sao tôi đã gánh vai tâm lý nặng mà còn phải đóng nhiều cảnh bạo lực. Lúc đóng cảnh đánh nhau, đầu tôi đập trúng máy quay, kêu cái “cốp”, sưng lên. Lãnh Thanh đè lên người tôi, bóp cổ tôi, tôi nắm đầu Thanh, hai người giằng co suốt 10 tiếng. Qua hôm sau, tôi thấy cổ đau, nghĩ mãi mới nhớ ra là mình bị bóp cổ gần nửa ngày.
Cảnh nổ xe sử dụng kỹ xảo là chính, tôi không cần diễn hành động, không có lời thoại nào nhưng tâm lý rất nặng, phải dùng ánh mắt để biểu thị nhiều cảm xúc lẫn lộn của nhân vật, tạo ra twist (bước ngoặt) mới cho phim.
– Sau ‘Chị chị em em’, chị có những kế hoạch nào mới cho điện ảnh?
– Tôi nhận được khá nhiều lời mời đóng phim nhưng trước mắt tôi mới nhận một dự án do tôi đóng chính đồng thời là nhà sản xuất. Bộ phim dự kiến quay vào tháng 3, tháng 4 và chiếu cuối năm sau. Các thông tin chi tiết hơn thì tạm thời tôi chưa thể tiết lộ.
Phong Kiều thực hiện – Ngoisao.net