Theo trang CGTN, ngày 6-5, Cơ quan Hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) thông báo khoang chứa hàng, một phần của chuyến bay thử nghiệm quan trọng trong chương trình không gian của nước này mới được thực hiện một ngày trước đó, “gặp vấn đề bất thường” trên hành trình trở về.
Vào chiều 5-5, tên lửa đẩy Trường Chinh – 5B thế hệ mới cỡ lớn đã được phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở phía nam tỉnh Hải Nam, mang theo một phiên bản thử nghiệm tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới và một khoang chứa hàng vào không gian.
Khoảng 448 giây sau khi rời khỏi bệ phóng, tàu vũ trụ có người lái thử nghiệm (song không có phi hành đoàn người thật) cùng với phiên bản thử nghiệm của khoang chứa hàng đã tách khỏi tên lửa và di chuyển vào quỹ đạo định sẵn.
Theo kế hoạch, tàu vũ trụ và khoang chứa hàng được lập trình để tự quay về Trái đất vào ngày 7-5.
Đây là chuyến bay thử nghiệm quan trọng trong tham vọng của Trung Quốc vận hành một trạm không gian lâu dài và đưa các phi hành gia Trung Quốc lên Mặt trăng.
Tuy nhiên, CMSA chỉ cho biết ngắn gọn là khoang chở hàng gặp trục trặc trong hành trình trở về Trái đất. Cơ quan này cho biết hiện các chuyên gia đang phân tích dữ liệu về sự cố nhưng không nêu chi tiết.
Khoang chở hàng này, do Tập đoàn Công nghiệp và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc phát triển, chỉ được thiết kế để chở thiết bị. Nó được trang bị một tấm chắn nhiệt “có thể bơm phồng” là một công nghệ chưa hoàn thiện mà chính các “đại gia” của cuộc chạy đua chinh phục không gian vẫn chưa nắm bắt được.
Tấm chắn nhiệt “có thể bơm phồng” cũng đang được các cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ và châu Âu thử nghiệm, để dần thay thế các tấm chắn nhiệt kim loại nặng hơn, qua đó có thể tăng số lượng hàng hóa mang theo vào vũ trụ trong một lần phóng.
Theo Hãng tin AFP, nếu chuyến quay về lần này thất bại thì đó sẽ là một cú sốc không nhỏ cho giới nghiên cứu không gian Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, các kỹ sư Trung Quốc đã tập trung nhiều cho sửa chữa điểm yếu của mình là những cú đáp xuống mặt đất của thiết bị không gian.
Cú phóng thành công tên lửa Trường Chinh – 5B mới vào ngày 5-5 cũng là một điểm tốt, sau hai lần thất bại với Trường Chinh – 7A hồi tháng 3 và Trường Chinh – 3B hồi đầu tháng 4.
Trường Chinh – 5B là tên lửa hạng nặng đời mới, phiên bản thứ tư trong dòng tên lửa Trường Chinh – 5 của Trung Quốc, với khả năng chở theo 20 tấn hàng hóa gồm vệ tinh và các thiết bị quan sát.
Những năm gần đây Bắc Kinh đầu tư mạnh cho chương trình không gian với mục tiêu bắt kịp Mỹ, quốc gia duy nhất từng đưa người lên Mặt trăng.
Trung Quốc dự định sẽ bắt đầu lắp đặt Trạm vũ trụ Thiên Cung từ năm 2020 và hoàn tất vào năm 2022.
Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên có tàu vũ trụ đáp thành công xuống phần tối của Mặt trăng hồi tháng 1-2019, và triển khai một robot thăm dò khu vực. Tới nay robot thăm dò đã di chuyển được khoảng 450m.
Theo Ý NGUYÊN – Tuổi Trẻ