Ngày 22/11/1963, John F. Kennedy, tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, bị ám sát khi ngồi trên xe mui trần diễu hành qua Dealey Plaza tại thành phố Dallas, bang Texas.
Hai ngày sau, giới chức áp giải nghi phạm Lee Harvey Oswald tới tầng hầm sở cảnh sát Dallas để chuyển anh ta từ nhà tù thành phố tới nhà tù hạt. Jim Leavelle, thám tử chuyên điều tra các vụ giết người, đứng ở bên phải Oswald, tự còng tay trái của mình vào tay phải của nghi phạm. Thám tử L.C. Graves đứng bên trái Oswald trong quá trình áp giải.
“Tôi đã nói với anh ta: ‘Lee này, nếu ai đó bắn anh, tôi hy vọng họ sẽ bắn chuẩn như anh đã bắn Kennedy”, Leavelle kể lại vào năm 2005. “Oswald cười xòa và nói với tôi: ‘Ông đang làm quá lên đấy. Không ai định bắn tôi cả'”.
Khi họ đi ngang qua nhóm phóng viên, chủ hộp đêm Jack Ruby bước ra khỏi đám đông, rút ra khẩu súng lục ổ quay và bắn một phát vào Oswald. Trong khoảnh khắc được phóng viên ảnh Robert H. Jackson ghi lại, Ruby cầm súng chĩa về phía trước, trong khi Oswald nhăn mặt vì đau đớn.
Leavelle, mặc một bộ vest sáng màu, ngả người ra sau, có vẻ sốc khi nhìn thẳng vào mặt Ruby. Ảnh của Jackson đoạt giải Pulitzer, trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Leavelle cho biết ông đã nhìn thấy Ruby tiến lại gần nhưng không kịp phản ứng. “Tôi đã cố gắng kéo anh ta lại phía sau”, Leavelle nói vào năm 2002, “nhưng tôi chỉ có thể xoay người anh ta, khiến viên đạn trúng điểm cách rốn khoảng 10 cm về bên trái, thay vì trúng vào chính giữa”.
Khi Oswald gục xuống, Leavelle dùng tay phải nắm lấy vai trái của Ruby. Thám tử Graves đặt tay lên ổ quay khẩu súng lục, ngăn chủ hộp đêm tiếp tục nổ súng. Các cảnh sát khác nhanh chóng khống chế Ruby. Leavelle mở còng, kiểm tra mạch cho Oswald khi nghi phạm được đưa đến bệnh viện Parkland, cũng là nơi Kennedy được cấp cứu hai ngày trước đó. Oswald chết 105 phút sau khi bị bắn.
Leavelle bắt đầu tham gia điều tra sau khi Oswald bị bắt tại một rạp chiếu phim với cáo buộc giết cảnh sát J.D. Tippitt, 88 phút sau vụ ám sát Kennedy. Ban đầu, cảnh sát không cho rằng vụ giết cảnh sát có liên quan tới vụ ám sát Kennedy, nhưng Leavelle và các thám tử khác trở nên nghi ngờ về câu trả lời của Oswald.
“Tôi không bắn ai cả”, Oswald nói khi bị thẩm vấn.
“Hầu hết nghi phạm sẽ nói ‘tôi không bắn cảnh sát đó’ hoặc ‘tôi không bắn người đó'”, Leavelle cho biết. “Tôi nhận ra anh ta biết chuyện gì đã xảy ra và chuẩn bị sớm lời chối tội”.
Một ngày sau khi Oswald bị giết, Leavelle chở Ruby đến nhà tù hạt Dallas. Lần này cảnh sát không thông báo cho truyền thông và rất cảnh giác khi đưa Ruby lên xe. Ruby giải thích động cơ gây án của mình là quá đau buồn trước cái chết của Kennedy và muốn thực thi công lý ngay thay vì tốn thời gian với các phiên tòa. Những người khác đưa ra giả thuyết rằng Ruby muốn giết người diệt khẩu và liên quan đến tội phạm có tổ chức. Ruby bị tuyên án tử hình nhưng chết trong tù vào tháng 1/1967 vì ung thư trong khi đang kháng cáo.
Jim Leavelle sinh ngày 23/8/1920 tại Bogota, Texas, lớn lên trong trang trại ở đông bắc Texas. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông gia nhập hải quân và từng làm việc trên tàu USS Whitney.
Leavelle may mắn không bị thương trong vụ Nhật tập kích Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, nhưng sau đó bị thương nặng trong một tai nạn trên tàu. Trong thời gian hồi phục sức khỏe, ông gặp y tá Taimi Trast và họ kết hôn vào tháng 10/1942.
Leavelle đã dành nhiều tháng để điều tra vụ ám sát Kennedy và tìm hiểu liệu Oswald có đồng bọn không. “Chúng tôi không phát hiện ai khác có liên quan”, ông nói.
Bất chấp kết luận của giới chức, nhiều thuyết âm mưu được lan truyền về vụ ám sát. “Người duy nhất họ chưa cáo buộc đã bóp cò là phu nhân Jackie Kennedy”, Leavelle nói vào năm 2002.
Leavelle qua đời vào tháng 8/2019 ở tuổi 99. Một trong những lý do khiến nhiều người nhớ đến Leavelle trong vụ bắn chết Oswald là trong số những cảnh sát ở đó, chỉ mình ông mặc đồ sáng màu và đội mũ trắng. Bộ quần áo và chiếc mũ đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tầng 6 ở Dallas, cùng với chiếc còng tay ông đã dùng với Oswald.
Phương Vũ (Theo Washington Post) – Vnexpress