Cô bé 10 tuổi Lila thường thức dậy rất sớm để thực hiện hành trình dài hai tiếng tới một nhà tù ở thành phố Gateville, bang Texas. Lila phải đi qua máy quét an ninh trước khi bước vào phòng thăm và háo hức chờ đợi tù nhân số 01740964. Khi người phụ nữ đang chịu án 40 năm tù vì tội giết người bước ra, Lila vội chạy tới sà vào vòng tay của mẹ và ôm chặt không rời. Chuyến viếng thăm này là lần duy nhất trong tháng Lila, cô học sinh lớp 5, được gặp mẹ.
“Thỉnh thoảng cháu hỏi mẹ ‘Mẹ ơi, khi nào mẹ trở về nhà?’. Mẹ luôn nói sẽ sớm thôi và bảo cháu cầu nguyện Chúa điều đó. Tối nào cháu cũng cầu nguyện cho mẹ sớm về”, Lila nói.
Mẹ của Lila, Lena Acosta, 29 tuổi, phải đi tù vì đâm chết tình nhân của chồng khi Lila là đứa trẻ chập chững, và dự kiến sẽ được phóng thích năm 2030. Acosta chia sẻ cô thấy hối hận vì hành động dại dột 10 năm trước đã khiến con gái rơi vào hoàn cảnh hiện tại. “Tôi từng là một người thật kinh khủng”, Acosta nói.
Số tù nhân ở Mỹ tăng vọt kể từ năm 1980, trong đó số tù nhân nữ tăng hơn 750%, gấp đôi so với nam giới. Điều này dẫn tới nhiều đứa trẻ ở Mỹ phải lớn lên mà không có bố mẹ bên cạnh. Ước tính, ít nhất 5 triệu trẻ em Mỹ, chiếm khoảng 7%, có bố mẹ là tù nhân, theo báo cáo dựa trên dữ liệu liên bang năm 2015.
Trẻ em phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khi có bố mẹ là tù nhân. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ này đối mặt với vấn đề về hành vi và tâm lý, thiếu ngủ và dinh dưỡng kém. Ngoài ra, tỷ lệ phạm tội ở nhóm trẻ này cũng cao hơn so với nhóm khác.
Trẻ em thường chịu ảnh hưởng lớn hơn nếu mẹ đi tù. “Mẹ phải đi tù là nỗi đau lớn nhất đối với trẻ em. Nó sẽ hủy hoại cuộc sống của một gia đình”, Brittany Barnett, người sáng lập tổ chức Girls Embracing Mothers cách đây 6 năm nhằm giúp những đứa trẻ như Lila có cơ hội tới thăm mẹ trong tù, cho biết.
Texas là bang có số tù nhân nữ có con nhiều nhất ở Mỹ, chiếm 80%, theo số liệu của Liên minh Tư pháp hình sự Texas năm 2017. Trước thực trạng này, các nhà lập pháp Texas năm nay thông qua nhiều điều luật mới phù hợp hơn, tạo điều kiện cho nữ tù nhân có cơ hội gặp gỡ con cái. Tuy nhiên, theo Jeremy Desel, giám đốc truyền thông của cơ quan tư pháp hình sự Texas, vì lý do an toàn, trẻ em chỉ được phép thăm mẹ ở tù trong 2 tiếng.
Một buổi sáng gần đây, xe buýt của tổ chức Girls Embracing Mothers đã đưa 22 đứa trẻ tới thăm mẹ ở nhà tù Linda Woodman ở thành phố Gateville. Hầu hết mẹ của các em đều được chuyển tới đây từ một nhà tù gần đó.
Để được tham gia chương trình viếng thăm này, tù nhân nữ không vi phạm kỷ luật trong ít nhất 6 tháng. Ngoài các chuyến thăm hàng tháng, tù nhân nữ còn được tư vấn về cách gắn kết với con gái của họ, bao gồm cách nói về nguyên nhân khiến họ bị bắt giam. Trong chuyến thăm gần đây, các tù nhân nữ và con gái của họ cùng ngồi ăn bánh và lắng nghe bài giảng về việc xây dựng lòng tự trọng.
Malishia Booker, người chịu án 20 năm tù vì tấn công một công chức và các hành vi phạm tội khác, cố gắng cho cô con gái, Jessicah, lời khuyên khi điền tờ đơn xin hỗ trợ tài chính đại học. Nhưng dường như tất cả điều cô có thể làm chỉ là sự khuyến khích, động viên con. “Tôi cảm thấy mình vô dụng”, Booker, 46 tuổi, mẹ của 7 đứa trẻ và 4 trong số đó sống cùng nhau trong một căn hộ ngoại ô Dallas.
Jessicah, 19 tuổi, chia sẻ với mẹ về những tranh cãi gần đây của mấy anh chị em và chiếc váy màu xanh đậm cô định mặc trong buổi dạ tiệc cuối cấp. “Mẹ luôn vắng mặt trong các sự kiện quan trọng như vậy. Nhưng chúng chỉ thấy buồn chứ không giận mẹ nữa”, Jessicah nói trong nước mắt trong khi em gái Ja’Bria, 18 tuổi, uể oải ngồi bên chiếc ghế đối diện.
Ảnh hưởng của án tù thường theo những tù nhân nữ rất lâu sau khi họ được trả tự do, từ khó khăn tài chính đến mối quan hệ mẹ con bị hủy hoại. Karen Keith, 62 tuổi, người từng chịu 3 năm tù ở Texas vì không trả đúng hạn 1.200 USD tiền bồi thường vì tội biển thủ, đã có cuộc sống rất khó khăn sau khi ra tù năm 2015. Keith không tìm được nhà ở vì các chủ nhà từ chối người có tiền án.
Nhưng điều khiến bà đau đớn hơn là bị gia đình cắt đứt liên lạc. “Tôi không được gặp ba đứa con và ba đứa cháu 6 năm rồi. Chúng không muốn liên quan gì tới tôi nữa”, Keith nói.
Maggie Luna, 39 tuổi, người mẹ đơn thân từng ngồi tù 6 năm vì tội viết séc khống, đã mất quyền nuôi ba đứa con. Một thẩm phán ở Texas tước quyền làm mẹ của Luna năm 2014 sau khi phát hiện bà sử dụng ma túy. Không đủ khả năng thuê luật sư kháng cáo, bà tiếp tục chịu án sử dụng ma túy sau đó.
Con gái út được người khác nhận nuôi, con trai 9 tuổi giờ ở viện tâm thần và con gái 13 tuổi, Delilah, sống cùng bà ngoại. Delillah đang học mẫu giáo khi cô bị kết án lần đầu năm 2011. Cô bé và hai em có thời gian sống cùng cha, người thỉnh thoảng đưa chúng tới thăm mẹ. Hai mẹ con vẫn nhớ cảm giác đau khổ khi tới nhà tù thăm mẹ.
“Nhân viên nhà tù nói cháu không được chạm vào mẹ. Hai mẹ con phải ngồi đối diện nhau. Cháu thấy thật khó để chấp nhận điều đó”, Delilah cho biết không được phép ngồi trên đùi mẹ vì khi đó đã 5 tuổi.
Cảnh tượng đau lòng nhất là cuối mỗi chuyến viếng thăm, khi cảnh sát đưa Lula ra khỏi phòng trong sự quyến luyến của bọn trẻ. “Con trai tôi gào khóc nhưng tôi không thể làm gì được”, Lula, người đã ra tù 2 năm, nhớ lại.
Hệ thống chăm sóc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của bang Texas nhận thêm 20.000 đứa trẻ mỗi năm kể từ năm 2016 do bố mẹ đi tù, theo Sở Dịch Vụ Bảo Vệ và Trợ Giúp Gia Đình Texas.
“Tôi không nhớ hết bao nhiêu lần chứng kiến những bà mẹ khóc nức nở vì bị tước quyền nuôi con. Mất đi con chính là cái giá đắt nhất họ phải trả cho tội lỗi của mình”, Lauren Johnson, người từng vào tù 3 lần vì các tội danh liên quan tới nghiện ma túy, cho biết.
Lila không thể hiện ra ngoài nhưng không có mẹ bên cạnh là một thiệt thòi lớn với cô bé. “Những đứa trẻ khác ở trường đều có mẹ”, Helen Garcia, 51 tuổi, bà ngoại của Lila, cho biết. Lila chỉ nói cho người bạn thân của em về việc mẹ đi tù vào năm ngoái sau nhiều năm giấu kín.
Trước khi tham gia chương trình của Girls Embracing Mothers năm 2017, Lila không được gặp mẹ trong 3 năm. Cô bé từng thắt bím tóc khi tới nhà tù thăm mẹ, nhưng sau đó thường để tự nhiên vì muốn được mẹ chải tóc.
Lila không bỏ lỡ bất kỳ chuyến thăm nào. Mẹ và cô bé cùng nhau tạo ra nhiều vật kỷ niệm: vỏ gối, dreamcatcher (bùa đuổi bắt giấc mơ) hiện treo trong phòng ngủ của Lila, và hộp origami với đầy mẩu giấy viết những lời động viên mẹ của Lila đặt trong phòng giam.
Với Acosta, chuyến thăm là cơ hội hiếm có để gần con. “Thật tuyệt khi có thể gặp trực tiếp con bé. Tôi có thể nói với con bé bao điều, chẳng hạn như cách chăm sóc bản thân khi đến tuổi dậy thì”, Acosta nói.
Nhưng khi Lila lớn hơn, cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con càng khó khăn. Acosta phải nói thật về án tù của mình. “Tôi nói với con bé rằng tôi đã có một quyết định tồi tệ. Ở tuổi này con bé có thể hiểu. Tôi không muốn nói dối dù biết con buồn vì điều đó”, Acosta nói.
Cuộc gặp kết thúc lúc 2h và những đứa trẻ với đôi mắt ngấn nước phải ôm tạm biệt mẹ. “Mẹ yêu con”, Acosta thì thầm vào tai con gái trong lúc hai mẹ con ôm chặt nhau trước khi xa nhau trong một tháng sau đó.
Thanh Tâm (Theo NY Times) – Vnexpress