“Một năm thì xa nhau 10 tháng, mình còn mong đoàn tụ nữa là con. 47 tuổi, đây là lần đầu tiên tôi đón Tết xa quê”, anh Thịnh nói. Hàng ngày, cặp vợ chồng quê Hải Dương, hiện đang mở quán bán cháo dinh dưỡng tại một xã ven biển ở Thanh Hóa vẫn gọi về cho con. Nhưng chưa ai đủ “dũng khí” để nói không thể đoàn tụ trong dịp Tết.
Nhận được tin TP Chí Linh có 72 ca mắc Covid-19, người đàn ông xa quê rụng rời, sợ gia đình, người thân ở quê có tiếp xúc gần với các bệnh nhân. Trời miền Trung hôm đó ấm, mà lướt điện thoại, tay anh run run.
Quê anh Thịnh ở Thanh Miện, cách tâm dịch Chí Linh khoảng 50km. Lần về quê gần đây nhất của gia đình anh là một tháng trước. Sức khỏe hai vợ chồng bình thường nên Thịnh tin “trong người không có virus”. Dẫu vậy, sau cuộc gọi về nhà, vợ chồng ông chủ quán cháo phóng xe máy xuống trạm y tế địa phương khai báo y tế.
“Điều đó thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng và cũng là cách xây dựng lòng tin của một người bán hàng ngoại tỉnh với dân địa phương”, anh nói. Sau các thủ tục khai báo và đo nhiệt độ, hai vợ chồng về nhà, thực hiện cách ly theo quy định.
Vì không có nguy cơ lây nhiễm, vợ chồng anh được chính quyền cho phép tiếp tục mở hàng để mưu sinh trong những ngày Tết xa quê. Hàng ngày, anh nhờ hàng xóm mua đồ ăn giúp, gọi điện cho các đại lý thực phẩm đến, đặt ở cổng. Khách mua hàng gọi điện đặt cháo. Anh Thịnh để đồ ăn ở ghế trước cửa. Anh rời đi, khách mới đến lấy.
Bốn năm trước, anh Quang Thịnh và vợ quyết định cùng con vào Thanh Hóa mở quán cháo lập nghiệp. Từng ấy năm ở đây, dân trong xã có con nhỏ đều ghé quán anh. “Giờ dịch, người hiểu biết thì động viên, còn có người nói lời khiếm nhã. Tôi không để bụng, chỉ nghĩ đến việc xa con ngày Tết thì thương”, giọng anh Thịnh trầm xuống.
Hồi con bốn tuổi, anh Thịnh cho về quê đi học, có ông bà nội ngoại chăm sóc. Một năm, họ ở gần nhau lâu nhất là hè và Tết.
Năm nay, anh Thịnh dự tính ngày 28 sẽ về quê. Như mọi năm, ông bố sẽ sắm đào, quất, bà mẹ sẽ chuẩn bị áo mới cho con. Năm nay, Tết về, dịch cũng “về”, anh chị lại chẳng thể về. “Nhà trọ rộng rãi để bày biện, nhưng lòng đâu mà sắm Tết”, anh cười buồn.
Khác với anh Thịnh, gia đình nhà Minh Đức – Huyền My (cùng 25 tuổi) lại ở ngay tâm dịch – TP Chí Linh, Hải Dương. Mẹ Đức là giáo viên tiểu học ở thành phố này, nên tiếp xúc với nhiều học sinh và phụ huynh. Nếu ở đây có F0, bà cũng có thể nằm trong danh sách F1.
Ngay từ sáng 28/1, khi truyền thông còn chưa công bố ca nhiễm mới, Đức đã nghe tin từ quê nhà. Anh lập tức xin rời công ty về nhà tự cách ly. Huyền My vừa mới trải qua cuộc phẫu thuật sinh tử không lâu. Họ lại mới về quê 20 ngày trước. Nỗi lo cho vợ, bố mẹ ở quê nhà choán trọn tâm trí anh.
Khi Đức về đến nhà, Huyền My đã kịp đóng thùng khẩu trang, nước rửa tay và các loại thuốc tăng cường sức đề kháng – những thứ cô vẫn bán online, gửi về quê chồng. Biết mẹ căng thẳng, Đức thi thoảng lại gọi về động viên. Anh cũng lập tức khai báo y tế. Hai vợ chồng lẫn bố mẹ ở quê đều được hướng dẫn cách ly tại nhà trong vòng 21 ngày.
Dịch bùng lên đồng nghĩa với nghĩa kế hoạch lần đầu về quê chồng ăn Tết của Huyền My “vỡ toàn tập”. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cô chưa từng được ăn Tết quê. Bố mẹ My ly hôn khi cô mới 2 tuổi. Được ăn một cái Tết đoàn viên trong một gia đình gắn bó như nhà chồng, cũng là điều My rất háo hức.
Từ tháng trước, hai vợ chồng đã bàn đến chuyện mua sắm các thứ cho Tết. My nói sẽ mua thật nhiều hoa cúc, trồng thành một dải vàng rộ quanh sân nhà. Cô cũng đã gói sẵn bánh kẹo về quê. Ở nhà, bố mẹ Minh Đức nuôi một đàn gà, trồng những luống rau xanh mướt để đón vợ chồng con trai về Tết.
Nhưng dịch đến khi chỉ còn nửa tháng nữa là sang xuân. “Mấy hôm nay căng thẳng, nhà tôi cũng chẳng quan tâm Tết hay không nữa. Chỉ mong mọi người trong gia đình khỏe mạnh, sớm đẩy lùi dịch bệnh”, cô con dâu Chí Linh nói.
Năm nay đáng lẽ sẽ là một năm ý nghĩa nhất từ khi lấy chồng của chị Hoàng Huê, 30 tuổi, ở Cao Bằng. Sau bốn năm kết hôn, nhiều lần chữa trị đông – tây y, đầu năm nay chị mới có thai. Biệt danh “cá rô đực” mà cả làng gắn thẻ cho chị đã được gỡ. Không còn ám ảnh bơi những lời hỏi thăm của hàng xóm vì “mãi chẳng có bầu”, xuân này Huê háo hức về quê.
“Mấy năm nay tôi chẳng đi họp lớp vì bạn bè đều con bồng con bế, mình đi thì tủi thân. Nhưng năm nay, nhóm chat thông báo họp, tôi đăng ký đi ngay”, chị kể. Dự sinh vào mùng 7 tháng Giêng, nhưng chị vẫn sắm thêm hai chiếc váy bầu để đi chơi Tết.
Đầu tháng Chạp, Huê có biểu hiện sắp sinh. Đồng nghiệp khuyên nghỉ sớm nhưng chị muốn cố làm việc để sau khi sinh được ở nhà với con nhiều hơn. Chỉ vài ngày sau, dịch bệnh bùng phát trở lại. Một nhân viên trong công ty Huê có người nhà dương tính với nCoV. Bà bầu bỗng trở thành F2. Dù đồng nghiệp xét nghiệm hai lần âm tính, Huê vẫn phải cách ly tại phòng trọ. Chồng làm việc ở quê, ba ngày liền chị chỉ có thể gọi shipper giao hàng ở cửa phòng trọ.
Biết có thể sinh trước thời gian dự sinh, nhưng Huê không thể về quê. “Nhân viên y tế gọi điện cho tôi ngày một để theo dõi và quan trọng là mình không thể vô ý thức giữa lúc cả nước cần nhất là ý thức”, chị nói. Cách duy nhất để Huê có chồng bên cạnh lúc sinh nở là anh đến đón chị bằng xe riêng. Sau đó hai vợ chồng cách ly tại nhà.
“Nhưng anh ấy chần chừ với phương án này. Anh ấy sợ, bảo đợi nghe ngóng thêm”, người vợ thất vọng. Ba ngày nằm một mình trong phòng trọ, chị vừa tủi thân, vừa buồn bực vì không thể ra ngoài giữa lúc cần tích cực vận động để thuận sinh nở.
Sau những ngày lo lắng và giận dỗi, Huê trấn an mình, nếu theo dự sinh, chị đã hết cách ly. Còn nếu “thiên thần đến với thế giới” sớm, người mẹ vẫn tin mình có thể đón con trong bình an. “Ở giữa thủ đô sao phải lo lắng về chăm sóc y tế”, chị khích lệ mình.
Anh Quang Thịnh cũng đã suy nghĩ tích cực hơn. “May mắn là nơi mình đang sống và ở quê đều không phải vùng nguy hiểm. Rất nhiều gia đình còn phải chia nhau đi cách ly, nhưng họ vẫn vượt qua được”, anh hay động viên khi thấy vợ sụt sùi. Anh Thịnh tính vài ngày nữa sẽ nhờ ông bà hai bên thay mình sắm Tết, động viên con trai. Giờ có internet, cả gia đình sẽ cùng đón giao thừa online.
Còn bố mẹ chồng Huyền My “nhờ được cách ly” mà nhận ra bao năm qua đã quá bận rộn. “Lâu lắm rồi bố mới có kỳ nghỉ dài như thế”, người đàn ông làm nghề nuôi ong bảo với các con. Ông dự định đàn gà nuôi thịt Tết sẽ ăn dần trong thời gian cách ly. Nhưng ông vẫn dành lại ít con, để mùng Sáu tháng Giêng, tan dịch, hết cách ly, cả nhà sẽ cùng “Tết bù”.
Phạm Nga – Vnexpress