Taxi có thể gắn ‘mào’ hoặc dán phù hiệu

Nghị định mới quy định thêm loại hình taxi công nghệ và xe hợp đồng điện tử, cho phép chủ taxi lựa chọn dán phù hiệu hoặc gắn “mào”. 

Ngày 17/1, Thủ tướng ban hành nghị định 10/2020 thay thế nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. 

Điểm mới của nghị định là ngoài taxi truyền thống còn có taxi công nghệ sử dụng phần mềm đặt xe, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua phương tiện điện tử. Chủ taxi có quyền lựa chọn gắn mào với chữ “taxi” trên nóc, hoặc dán phù hiệu “xe taxi” bằng vật liệu phản quang lên kính phía trước và kính phía sau xe. Các xe đã gắn mào không phải dán phù hiệu.

Taxi công nghệ phải tuân thủ các quy định giao dịch điện tử như: Giao diện cho hành khách phải có tên doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; hành trình; cự ly chuyến đi; số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách…

Cảnh sát giao thông dừng nhiều xe Grab đi vào đường cấm để nhắc nhở. Ảnh: Phương Sơn
Cảnh sát giao thông kiểm tra hoạt động của các xe Grab. Ảnh: Phương Sơn

Với xe hợp đồng, điểm mới của nghị định là cho phép thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê. 

Xe hợp đồng phải dán cố định cụm từ “Xe hợp đồng” trên kính phía trước và kính phía sau xe.

Theo nghị định, chủ xe đang ứng dụng hình thức gọi xe như Grab Car, Goviet, BE… có thể lựa chọn mô hình xe hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ tùy theo nhu cầu, song phải đáp ứng quy định của mỗi loại hình vận tải.

Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử. Trên giao diện phần mềm cung cấp cho hành khách hoặc người thuê, phải thể hiện đầy đủ thông tin về tên của doanh nghiệp, số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp. 

Đơn vị kinh doanh phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách, người thuê vận tải và gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan thuế; lưu trữ dữ liệu hợp đồng điện tử tối thiểu 3 năm.

Dự thảo nghị định trên được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng qua gần 4 năm, 12 lần trình Chính phủ. 

Nghị định mới có hiệu lực thi hành từ 1/4.

Từ năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm loại hình như Grab Car là xe hợp đồng điện tử tại 5 thành phố lớn, sau đó, sự bùng phát của các xe này đã cạnh tranh gay gắt với các hãng taxi truyền thống. Các hiệp hội taxi yêu cầu xe Grab phải chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi là loại hình “hợp đồng điện tử”.   

Ngoài ra, các dự thảo nghị định 86 quy định gắn mào cho taxi công nghệ gây nhiều tranh cãi. Hồi cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu hủy bỏ đề xuất này và phải dùng công nghệ để quản lý thay vì “gắn hộp đèn”.