Những kết quả nghiên cứu đầu tiên dựa vào dữ liệu của tàu vũ trụ InSight được công bố trên tạp chí Nature Geoscience và Nature Communications hôm 24/2. Con tàu hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa năm 2018 và lần đầu tiên phát hiện tín hiệu động đất vào tháng 4/2019.
Nhiều trận động đất mà InSight phát hiện nhỏ đến mức nếu xảy ra trên Trái Đất, có thể mọi người sẽ không nhận ra, theo Philippe Lognonné, một trong những người giám sát thiết bị của con tàu. “Chúng tôi có thể nói nguy hiểm từ địa chấn trên sao Hỏa rất nhỏ, ít nhất là ở thời điểm này”, Lognonné nói.
24 trận động đất lớn nhất được miêu tả trong nghiên cứu chỉ đạt 3 hoặc 4 độ. Trên Trái Đất, chúng đủ mạnh để con người cảm nhận nhưng thường không gây thiệt hại nặng. Khác với hành tinh xanh, nơi động đất xuất hiện tương đối gần bề mặt, động đất sao Hỏa có xu hướng hình thành ở độ sâu lớn hơn nhiều, khoảng 30-50 km. Động đất càng sâu, trên bề mặt càng ít cảm nhận được sự rung lắc.
Trước đó, các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện những trận động đất lớn hơn, từ đó hiểu thêm về lòng đất, thậm chí lõi sao Hỏa. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra.
“Nguyên nhân thường gặp dẫn đến động đất sao Hỏa là quá trình nguội đi kéo dài của hành tinh này”, Bruce Banerdt, chuyên gia nghiên cứu nhiệm vụ InSight, cho biết. Phần bên trong sao Hỏa, giống Trái Đất, nguội dần đi từ khi hành tinh hình thành. Khi nguội đi, nó co lại và lớp vỏ giòn bên ngoài nứt vỡ, khiến bề mặt rung chuyển. Đó là xu hướng chung, nhưng nguyên nhân cụ thể dẫn đến mỗi trận động đất vẫn là bí ẩn.
Tàu InSight giúp các nhà khoa học ghi nhận rất nhiều động đất sao Hỏa. Trong nghiên cứu mới công bố, họ phân tích dữ liệu từ 174 trận phát hiện trước ngày 30/9/2019. Đến nay các thiết bị trên tàu InSight đã phát hiện khoảng 450 rung chấn. Phần lớn những rung chấn này có thể là động đất, theo NASA.
Nhiệm vụ của InSight dự kiến kéo dài thêm gần một năm nữa. Trong thời gian này, nhóm nghiên cứu trên Trái Đất sẽ tiếp tục thu thập thêm dữ liệu về những hoạt động diễn ra trong lòng sao Hỏa.
Thu Thảo (Theo Verge) – Vnexpress