‘Tắt sóng 2G để sẵn sàng cho công dân điện tử’

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi tắt sóng 2G sẽ hỗ trợ máy 4G để Việt Nam là một trong số ít nước có 100% điện thoại thông minh.

Tại Hội nghị tổng kết ngành diễn ra ngày 28/12, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng quyết định Việt Nam sẽ tắt sóng 2G vào năm 2022 là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mệnh.

“Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh, và sẵn sàng cho công dân điện tử”, ông Hùng nói. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại sự kiện tổng kết ngày 28/12. Ảnh: MIC
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại sự kiện tổng kết ngày 28/12. Ảnh: MIC

Cũng theo ông, việc thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hoá năm 2020 là tuyên bố từ nay, Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm, 8 năm như đối với 3G, 4G nữa. Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động để tiến tới một Việt Nam số.

“Chúng ta chỉ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời nêu một số bước tiến trong việc cho phép nhà mạng viễn thông thí điểm Mobile Money, hoàn thiện Bộ mã bưu chính, tăng cường đảm bảo an ninh mạng, đưa vào vận hành hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử, tuyên bố sự vi phạm pháp luật của mạng xã hội nước ngoài… 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự thành công bước đầu triển khai 5G bằng thiết bị Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam cương quyết không chậm hơn thế giới trong phát triển 5G cũng như các ứng dụng công nghệ mới. 

Đồng ý việc tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông lên công nghệ mới nhưng Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận mạng viễn thông của Việt Nam còn chậm chuyển đổi sang hạ tầng số. 

“Một đất nước có 70% sử dụng Internet, 80% dùng điện thoại thông minh nhưng hiệu quả còn thấp, từ việc ứng dụng để truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho đến thanh toán điện tử trong thương mại…”, Thủ tướng nói.

Ông cho rằng Bộ Thông tin & Truyền thông cần tham mưu về chính sách, cách làm tốt hơn để chuyển đổi sang hạ tầng số. 

Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, chiến lược phát triển công dân số cũng cần đi cùng với xây dựng văn hóa trên môi trường đó. Thủ tướng dẫn chứng câu chuyện trong một bữa ăn, gia đình có 5 người thì mỗi người sử dụng một chiếc điện thoại di động là mặt trái của công nghệ. 

Nguyễn Hà – Vnexpress