‘Táo quân vi hành’ đề cập cuộc sống người Việt xa xứ

Chương trình “Táo quân vi hành” mang đến cả tiếng cười và nước mắt khi đề cập cuộc sống mưu sinh của người Việt Nam ở nước ngoài.

Tối 23 tháng Chạp (17/1), sau khi tiễn ông Công ông Táo về trời, nhiều gia đình quây quần trước tivi xem Táo quân vi hành. Chương trình ghi hình ở thủ đô Praha, Cộng hòa Czech, không nói về các vấn đề chính trị, xã hội trong nước mà kể câu chuyện Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu vi hành châu Âu, qua đó cho thấy nhiều vấn đề của cộng đồng người Việt xa xứ, phản ánh tình cảm họ dành cho quê hương.

Bắc Đẩu (áo đỏ) và Ngọc Hoàng (áo vàng) trong trang phục thường dân đi vi hành. Ảnh: VFC.
Bắc Đẩu (áo đỏ) và Ngọc Hoàng (áo vàng) trong trang phục thường dân đi vi hành. Ảnh: VFC.

Trong gần hai tiếng, những vấn đề bất cập của người Việt Nam ở nước ngoài được khắc họa qua các tiểu phẩm hài. Mở đầu là hình ảnh thiên đình quen thuộc khi Bắc Đẩu (Công Lý) bị ảo giác, coi Ngọc Hoàng (Quốc Khánh) là cây cột, mở ra vấn đề chất kích thích được sản xuất tinh vi, đưa từ nước ngoài về Việt Nam buôn bán. Thay vì gọi các Táo vào chầu, bộ ba cung đình vi hành đến châu Âu tìm hiểu về thực tế người Việt trồng cần sa ở đây. Phần chuyển tiếp là thực cảnh Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu, Nam Tào “hạ cánh” xuống cầu Karl (cầu Charles) – biểu tượng của thành phố Praha, cộng hòa Czech. 

Thay đổi trang phục, Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu vào vai người Việt vượt biên sang Czech, gặp nhiều tình huống trớ trêu. Tại đây họ được Thiên Lôi giới thiệu cho tới người chuyên môi giới việc làm, lo liệu giấy tờ (Trung Ruồi đóng). Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của hai người, hắn gạ gẫm đưa họ đi làm công nhân, rửa bát, bưng bê, làm nail… tùy thích với mức phí là 80% lương hàng tháng. Đan xen là trò ảo thuật đoán tay có, tay không đánh vào tâm lý ăn thua của người dân. 

Táo quân vi hành bóc trần cuộc sống người Việt xa xứ
Phân cảnh Ngọc Hoàng và Bắc Đẩu được môi giới giấy tờ. Video: VFC.

Tiểu phẩm khác khắc họa cuộc sống mưu sinh khó khăn của người Việt xa xứ, bất chấp làm việc trái pháp luật để có tiền gửi về cho gia đình. Trong vai bầu show, Tự Long chuyên tổ chức các cuộc thi nhan sắc không giấy phép, quảng cáo trá hình để bán vé show diễn. Quang Thắng vào vai người bán hàng xách tay phải cải trang để xếp hàng vào siêu thị mua được nhiều đồ giảm giá (các siêu thị hạn chế số lần mua hàng và số lượng sản phẩm trong các đợt giảm giá để tránh đầu cơ, tích trữ). Bận rộn kiếm tiền, anh không có thời gian dạy con, dẫn đến con trai nói tiếng Việt nhưng bố nghe không hiểu. Vân Dung vào vai người phụ nữ đang bầu, khắc họa vấn nạn sinh con để được định cư nước ngoài.

Các tiểu phẩm mang lại tiếng cười cho khán giả với những mảng miếng hài vốn làm nên thương hiệu của Táo quân. Nhiều câu nói hài hước, phổ biến trên mạng như “khôn như mày, quê tao đầy”, “xách con leo lên mái ngói cãi nhau với ống khói”, chế lời bài hát Để mị nói cho mà nghe, Kiếp đỏ đen. Phân đoạn em bé người Việt nhưng nói không rõ tiếng mẹ đẻ gây ra hiểu lầm như “đi không con đâu” là “con không đi đâu”, “nhột” thành “nhục”… khiến khán giả thích thú.

Chương trình cũng gây xúc động khi đề cập góc khuất, nỗi lòng của người Việt ở nước ngoài. Đi vi hành cùng Ngọc Hoàng và Bắc Đẩu, Nam Tào (Xuân Bắc) giả vờ đi mua sim điện thoại để tới gặp gia đình anh trai đang làm việc tại Séc. Nhiều năm xa cách nhưng cuộc gặp diễn ra ngắn ngủi, chưa kịp chờ cháu ruột đi học về, anh đã phải quay lại làm việc. Phân cảnh Nam Tào rơi nước mắt kể về hoàn cảnh gia đình, khắc họa rõ hình ảnh những người Việt đang làm việc tại nước ngoài. Vì cuộc sống mưu sinh, họ chấp nhận rời quê hương, sống thiếu thốn tình cảm, làm việc vất vả và không biết ngày nào được trở về.

Cuối chương trình, sau khi Ngọc Hoàng lộ thân phận thật, người môi giới “bẩm báo” mình thực chất là người không nghề nghiệp. Hắn được gia đình ở quê vay tiền cho ra nước ngoài với mong muốn đổi đời. Tuy nhiên, không có giấy tờ, nghề nghiệp, hắn không kiếm được tiền, lang thang trong chợ, ai thuê gì làm nấy. Ước mơ duy nhất của hắn bây giờ là sớm được về nhà với cha mẹ. 

Người môi giới khóc kể về hoàn cảnh của bản thân nơi đất khách quê người. Ảnh: VFC.
Người môi giới (Trung Ruồi đóng) khóc kể về hoàn cảnh của bản thân nơi đất khách quê người. Ảnh: VFC.

Táo quân vi hành ghi điểm nhờ diễn xuất của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, do ghi hình ở nước ngoài nên bối cảnh, trang phục diễn viên thay đổi làm thiếu đi không khí tươi mới, rực rỡ đậm chất xuân. Các sự việc được thể hiện mang tính chất liệt kê, thay vì đi sâu vào vấn đề. Khán giả Thùy Trang (28 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Chương trình giúp tôi có cái nhìn rõ hơn về cuộc sống của kiều bào ở nước ngoài nhưng đề cập vấn đề còn hời hợt nên đôi chỗ tôi không thực sự hiểu ý nghĩa của tiểu phẩm”. 

Táo quân vi hành là chương trình thay thế Táo quân – Gặp nhau cuối năm. Tháng 11/2019, trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) thông báo dừng sản xuất Táo quân, khiến nhiều khán giả, nghệ sĩ tiếc nuối. Sau lần đầu lên sóng năm 2003, chương trình dần trở thành món ăn tinh thần với nhiều thế hệ khán giả. 

Hiểu Nhân – Vnexpress