Tăng 149 ca nghi nhiễm

Tính đến 20h ngày 12/3, có 268 người nghi ngờ đang cách ly theo dõi tại bệnh viện, tăng so với sáng nay.

Trong số nghi nhiễm, 210 người mới cách ly trong ngày, 58 trường hợp cũ tiếp tục theo dõi. Số liệu do Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam tổng hợp từ tất cả tỉnh thành.

Người nghi nhiễm là người có biểu hiện bệnh như ho, sốt, khó thở và có tiền sử đi từ/qua vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh. Người nghi nhiễm phải cách ly bắt buộc tại bệnh viện, lấy mẫu xét nghiệm nCoV.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là gần 29.000, trong đó cách ly tại nhà, nơi lưu trú gần 17.000, theo thống kê của Bộ Y tế. Người phải cách ly là người không có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở nhưng có yếu tố dịch tễ về bệnh. Những người được cách ly do có nguy cơ bệnh, nghi nhiễm chứ chưa xác định mắc bệnh.

Trong ngày, Việt Nam ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính với nCoV, đều ở Bình Thuận, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 cả nước lên 44. Trong đó 16 người đã khỏi, 28 bệnh nhân phát hiện trong vòng một tuần qua đang cách ly điều trị. Các bệnh nhân sức khỏe ổn định, không phải thở máy, không phải hỗ trợ các biện pháp xâm lấn.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, nơi điều trị cách ly bệnh nhân Covid-19, tháng 2. Ảnh: Nguyễn Đông.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, nơi điều trị cách ly bệnh nhân Covid-19, tháng 2. Ảnh: Nguyễn Đông.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu chữa Covid-19. Các thuốc điều trị hỗ trợ, kháng sinh, thuốc nâng đỡ… được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ đến các bệnh viện theo chương trình chống dịch.

Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp cách ly, gồm: cách ly tại cơ sở y tế với người bệnh, người tiếp xúc trực tiếp (F1); Cách ly tại nhà với người tiếp xúc gián tiếp (F2); cách ly tập trung tại cơ sở quân đội với người đến từ hoặc đi qua vùng dịch.

Thùy An  – Vnexpress