Sáng một ngày gần cuối năm, tiết trời Tây Nguyên lạnh buốt, cô Ngô Thị Thanh, quê Quảng Nam, cùng đồng nghiệp trường Mầm non Hoa Pơ Lang, xã Quảng Sơn, huyện Đăk G’long dậy sớm hơn mọi hôm. Họ vượt hơn 100 km vào trung tâm huyện để hoàn tất thủ tục trước khi nhận quyết định trúng tuyển viên chức.
Họ là tám giáo viên trẻ tình nguyện đứng lớp không lương cho 300 trẻ nghèo ở xã Quảng Sơn suốt bốn tháng qua.
Trường mầm non Hoa Pơ Lang ở thôn Đăk Snao 1 nằm cách trung tâm xã khoảng 20 km. Đó là ngôi trường tiểu học cũ có ba phòng, các giáo viên tự tay sơn sửa, trang trí làm nơi dạy cho 70 đứa trẻ nghèo người Mông.
Cạnh bên, dãy nhà công vụ của trường đã xuống cấp, thấm dột vào mùa mưa, là nơi ở của gia đình ba cô giáo. “Lương giáo viên hợp đồng chỉ đủ trang trải sinh hoạt nên vợ chồng vẫn phải ở nhờ nhà công vụ chật chội, rộng 20 m2”, cô Thanh, nói và cho biết đang sống với chồng, con và mẹ.
Tốt nghiệp sư phạm năm 2015, nữ giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết xin vào ngôi trường này để hiện thực ước mơ đứng lớp của mình. Khi mới đặt chân đến đây, thấy cuộc sống khó khăn, cảnh trường lớp tồi tàn, học sinh lèo tèo được vài đứa, những “mộng mơ tuổi trẻ” trong cô hầu như tan biến.
Bẵng đi một thời gian, học trò đến lớp ngày càng đông, nhiều cháu được bố mẹ đưa từ trong rừng ra đây ở trọ học, khiến nữ giáo viên trẻ động lòng, cô quyết định gắn bó và muốn bù đắp cho những đứa trẻ “kém may mắn”.
Cô vẫn nhớ như in hình ảnh học trò của mình đến lớp trong bộ áo quần rách rưới, lấm lem bùn đất. Những chỗ bị rách da chúng tím tái đi vì lạnh. Nhiều hôm, có cháu lả đi vì đói. Thương học trò, các cô trong trường còn tự bỏ tiền túi ra mua đồ ăn cho các cháu.
Không có bếp ăn bán trú nên sau giờ học buổi sáng, các em trở về nhà ăn cơm trưa, đến đầu giờ chiều lại đến học. Do nhiều em ở nhà xa, phải đi bộ đến trường, mệt quá nên lăn ra lớp ngủ.
Trong suốt 5 năm là giáo viên hợp đồng tại trường, mỗi tháng nhận được trên ba triệu đồng tiền lương. Một năm được tham gia giảng dạy chín tháng, còn ba tháng hè phải đi làm thuê kiếm sống.
Tháng tám năm nay, UBND huyện thông báo không tái ký hợp đồng để thi tuyển viên chức. Tám giáo viên hợp đồng trường Mầm non Hoa Pơ Lang tình nguyện dạy không lương, không phụ cấp cho 300 học sinh vì sợ các em thất học, thiệt thòi khi vào lớp 1.
Cô Phạm Thị Hồng Lĩnh, 23 tuổi, quê Nghệ An, cho biết, đó là quãng thời gian khó khăn nhất đối với mình. Cả gia đình bốn người phải ở nhà công vụ, mái tôn đã hư hỏng, do chưa có tiền mua tôn thay nên phải dùng một tấm bạt lớn để phủ toàn bộ mái nhà. Nếu lợp lại mái thì phải mất gần chục triệu đồng.
Trong bốn tháng đứng lớp không lương, không phụ cấp, áp lực kinh tế đè nặng, nhiều lần cô Lĩnh muốn bỏ nghề đi hái cà phê thuê, nhưng đêm đến, trằn trọc suy nghĩ lại “thấy thương học trò quá nên phải bám trụ”.
Theo cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Pơ Lang, năm nay, cả hai điểm trường có 300 học trò nhưng chỉ có ba giáo viên biên chế, tám giáo viên hợp đồng. Giữa năm nay, huyện không cho tái ký, nhưng các cô vẫn tự nguyện lên lớp, giúp trường quản lý hàng trăm trẻ.
“Nếu không có các cô chắc giờ các cháu đã lang thang ngoài đường hoặc theo bố mẹ lên nương, rẫy”, cô Oanh nói.
Sau hơn bốn tháng khổ sở giúp nhà trường “giữ chân” học sinh, mới đây các cô giáo viên tình nguyện đứng lớp không lương đã trúng tuyển trong đợt thi tuyển viên chức của huyện Đăk G’Long, dự kiến nhận quyết định vào ngày 22/12.
Khi hay tin trúng tuyển, cả tám cô đều vui mừng, cứ ôm nhau khóc vì sung sướng, hạnh phúc. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, “chúng em sắp chính thức có danh phận, không còn là giáo viên tự do nữa”, cô Thanh mừng rỡ.
Năm học 2019-2020, UBND tỉnh giao cho huyện Đăk G’long 125 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non để đáp ứng phần nào nhu cầu dạy và học tại địa phương. Huyện đã tổ chức thực hiện việc tuyển giáo viên mầm non thành hai đợt, thi tuyển và xét tuyển.
Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk G’Long, cho biết, số giáo viên trúng tuyển lần này, chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu giáo viên mầm non của huyện, hiện địa phương này còn thiếu gần 100 giáo viên mầm non nữa. “Nhưng số giáo viên mới trúng tuyền, sẽ góp phần giảm tình trạng thiếu giáo viên ở các điểm trường vùng sâu vùng xa”, ông Phương nói.
Theo UBND tỉnh Đăk Nông, tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra trong nhiều năm. Đầu năm học 2019-2020, toàn tỉnh thiếu hơn 1.000 giáo viên, trong đó thiếu gần 800 biên chế bậc mầm non.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp như hợp đồng từng năm, chuyển đổi biên chế từ kế toán, văn thư làm giáo viên bằng cách cho đi học nghiệp vụ sư phạm.
Đến giữa học kỳ 1 năm học này, Bộ Nội vụ đã cho Đăk Nông hơn 600 biên chế để phân về các trường.
Trần Hóa – Vnexpress