Tài xế taxi hứng rủi ro từ nCoV

Người phụ nữ Trung Quốc đón taxi của Thongsuk Thongrat tới bệnh viện ở Bangkok. Một tuần sau, tài xế này nhập viện do nhiễm nCoV.

Chiếc xe của Thongsuk bị kẹt vì tắc đường, chuyện thường xuyên xảy ra ở Bangkok. Để giết thời gian, nữ hành khách Trung Quốc này rút điện thoại rồi nghiêng người về phía trước để chỉ cho ông vài địa điểm cô định đi du lịch ở Thái Lan.

Cô sau đó hắt hơi, khiến nhiều giọt nước bắn hết lên kính chắn gió của chiếc xe taxi. “Tôi thấy cô ấy xinh đẹp nhưng chẳng có chút lịch sự nào”, tài xế 50 tuổi phàn nàn.

Khoảng một tuần sau, Thongsuk được xác định nhiễm nCoV, loại virus gây dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc và đến nay đã xuất hiện ở 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, trong đó có Thái Lan với 41 ca nhiễm.

Thongsuk Thongrat lái taxi trên đường phố Bangkok hôm 25/2. Ảnh: NY Times.
Thongsuk Thongrat lái taxi trên đường phố Bangkok hôm 25/2. Ảnh: NY Times.

Việc Thongsuk nhiễm nCoV càng cho thấy mức độ rủi ro của các tài xế taxi và những người thường xuyên tiếp xúc với du khách nước ngoài, dù hiện tại ngành du lịch toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19.

Hai tài xế khác ở Thái Lan cũng từng bị nhiễm nCoV, trong đó ca mới nhất được ghi nhận đầu tuần này. Tại Đài Loan, một tài xế taxi từng thường xuyên chở khách Hong Kong và Trung Quốc đại lục đã tử vong vì nCoV hồi đầu tháng 2. Một tài xế xe buýt ở Nhật Bản, người từng chở du khách đến từ thành phố tâm dịch Vũ Hán, tháng trước cũng được xác định nhiễm bệnh. Hướng dẫn viên du lịch trên cùng chiếc xe buýt cũng không tránh khỏi dương tính với nCoV.

Tài xế taxi Nhật Bản được cho là bị nhiễm nCoV sau khi tiếp xúc với một hành khách của Diamond Princess, du thuyền bị cách ly ở cảng Yokohama. Mẹ vợ của một tài xế khác chết vì nCoV và đây là ca tử vong đầu tiên được ghi nhận tại Nhật Bản.

Tại Singapore, hai tài xế taxi truyền thống và hai tài xế công nghệ cũng dương tính với nCoV.

Thongsuk, người đã hoàn toàn hồi phục sau 14 ngày điều trị cách ly tại một bệnh viện ở Bangkok, quay lại làm việc và nhận ra tình trạng “ế khách” hiện tại. Khoảng 60% khách của ông là người Trung Quốc, nhưng giờ họ không tới Thái Lan nữa do lệnh phong tỏa và lệnh cấm đi du lịch nước ngoài theo nhóm của chính quyền Bắc Kinh.

“Hầu hết khách Trung Quốc tôi từng chở rất thân thiện. Tôi thấy nhớ họ”, ông nói và thêm rằng vào những ngày đông khách, ông thường kiếm được khoảng 30 USD, nhưng giờ may mắn lắm mới được 10 USD mỗi ngày.

Thuyền ngắm cảnh vắng khách chạy trên sông ở Bangkok hôm 24/2. Ảnh: NY Times.
Thuyền du ngoạn vắng khách chạy trên sông ở Bangkok hôm 24/2. Ảnh: NY Times.

Rất nhiều điểm du lịch Phật giáo nổi tiếng Bangkok từng chật cứng du khách giờ trở nên vắng tanh. Những khu chợ bán trái cây nhiệt đới và hải sản khô cho du khách Trung Quốc giờ cũng ế ẩm. Khách sạn ở thành phố này cũng chứng kiến lượng khách sụt giảm nghiêm trọng.

Thongsuk sinh ra và lớn lên ở vùng đông bắc Thái Lan, nơi nổi tiếng là vựa lúa của quốc gia này. Ông gắn bó với nghề nông cho tới khi hạn hán tàn phá mùa màng và một người bạn trở về từ Bangkok mang theo những câu chuyện về việc kiếm tiền từ nghề lái xe chở khách du lịch nước ngoài. Sau đó, Thongsuk chuyển sang lái xe chở dầu, dù được trả ít tiền hơn nhưng giúp ông có nguồn thu nhập ổn định. 

5 tháng trước, khi du lịch bùng nổ, Thongsuk quyết định quay trở lại nghề lái taxi và chia sẻ chiếc xe màu xanh vàng với một người bạn. “Chắc tôi hứng nghiệp chướng vì vừa quay lại lái taxi không lâu thì bị ốm”, Thongsuk, người theo đạo Phật, cho hay.

Khoảng 10% GDP Thái Lan đến từ du lịch và người Trung Quốc luôn là nhóm du khách lớn nhất của quốc gia này. Thái Lan là một trong số ít quốc gia miễn visa đối với du khách Trung Quốc. Tháng trước, hơn một triệu du khách Trung Quốc đã tới Thái Lan, trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

“Tôi đã không nghĩ tới việc bảo vệ bản thân khi chở khách du lịch, bởi tôi nghĩ chính phủ đã kiểm tra sức khỏe trước khi cho họ vào Thái Lan”, Thongsuk nói.

Phần lớn chuyến bay giữa Thái Lan và Trung Quốc đã bị hủy. Thái Lan cũng đang tìm cách ứng phó với những công dân nhiễm nCoV sau khi tới du lịch ở những nơi có dịch.

Bộ Y tế Công cộng hôm 26/2 thông báo một người đàn ông Thái Lan trở về từ Hokkaido, đảo cực bắc Nhật Bản, đã bị nhiễm nCoVcùng với vợ. Cháu trai 8 tuổi của họ cũng bị nhiễm nCoV dù chưa từng tới Nhật Bản.

Người này lúc đầu đã giấu thông tin từng tới Nhật Bản, khiến 30 nhân viên y tế tại Bangkok từng tiếp xúc với ông hiện phải cách ly. Theo Bộ Y tế Công cộng, điều này đặt ra gánh nặng đối với nền y tế có thể sớm phải đương đầu với nhiều ca nhiễm bệnh hơn.

Thongsuk Thongrat đứng bên cạnh chiếc taxi của ông tại Bangkok hôm 25/2. Ảnh: NY Times.
Thongsuk Thongrat đứng bên cạnh chiếc taxi của ông tại Bangkok hôm 25/2. Ảnh: NY Times.

Thongsuk cho biết ngay khi bắt đầu ốm, ông đã đeo khẩu trang dù không biết mình bị nhiễm nCoV. Ông cũng quyết định ăn riêng vì sợ lây bệnh cho người trong nhà.

Không người thân nào của ông bị lây nCoV. Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul, người từng tới thăm Thongsuk hai lần ở viện, đã đánh giá cao thói quen bảo vệ sức khỏe của ông.

Thanh Tâm (Theo NY Times) – Vnexpress