Những chi tiết về công nghệ pin này vẫn còn khá thưa thớt nhưng nếu thành công nó sẽ rất hứa hẹn.
Pin thể rắn từ lâu đã được xem là đổi mới lớn tiếp theo sau pin lithium-ion khi mà rất nhiều công ty đua nhau để đưa chúng vào dây chuyền sản xuất khổng lồ. Vấn đề là những ông lớn như Dyson, BMW hay nhà sản xuất ô tô Fisker chỉ là một vài cái tên tham gia phát triển công nghệ này trong vài năm qua. Tuy nhiên, một báo cáo mới cho thấy một startup (công ty khởi nghiệp) từ Trung Quốc có thể trở thành công ty đầu tiên tạo ra đột phá này.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, startup có tên Công ty Phát triển Năng lượng Thanh Tao được thành lập bởi Đại học Tsingshua đã triển khai một dây chuyền sản xuất pin thể rắn ở Côn Sơn, phía Đông Trung Quốc. Các báo cáo cho rằng dòng sản phẩm này có công suất 100MWh/năm và hứa hẹn lên 700MWh/năm vào năm 2020. Bên cạnh đó, công ty cũng đã đạt được mật độ năng lượng hơn 400Wh/kg, ấn tượng hơn nhiều so với pin lithium-ion thế hệ mới nhất chỉ đạt công suất khoảng 250-300Wh/kg.
Mặc dù vậy thông tin chi tiết về những đột phá trong công nghệ pin thể rắn của startup này là khá thưa thớt. Giá bán dành cho pin thể rắn này vẫn còn khá bí ẩn, trong khi công suất 100MWh không phải thực sự ấn tượng.
Điều quan trọng ở đây là nếu mọi thứ thành công với pin thể rắn được đưa vào sản xuất khối lượng lớn thì nó sẽ mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho pin không chỉ trên smartphone mà còn pin cho xe điện. Công nghệ pin thể rắn vẫn đang được nghiên cứu và trong tương lai sẽ cải thiện rất nhiều. Pin thể rắn được cho là an toàn hơn nhiều so với pin lithium-ion vốn rất dễ xảy ra tình trạng cháy nổ gây nguy hiểm.
Theo Kiến Tường (Dân Việt)