Sông Hằng linh thiêng – dòng sông nhiễm khuẩn

Sông Hằng chứa nhiều loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hại đến sức khỏe, người dân Ấn Độ vẫn coi đây là nguồn nước linh thiêng. 

Bắt nguồn từ dãy Hymalaya ở phía vắc Ấn Độ, chảy theo hướng đông và nam qua Bangladesh, sông Hằng vốn được coi là dòng chảy thiêng liêng, rửa sạch tội lỗi loài người theo quan niệm Ấn Độ giáo. 

Người dân đổ về sông Hằng lấy nước. Ảnh: New York Times
Người dân đổ về sông Hằng hành hương. Ảnh: New York Times

Cung cấp nước cho khoảng 400 triệu người dân Ấn Độ, song con sôngtiếp nhận một khối lượng lớn rác thải công nghiệp, nước thải từ con người và vật nuôi. 

Mức độ ô nhiễm của sông Hằng luôn tăng vọt trong mùa hành hương vào tháng 5 và tháng 6, khi hàng nghìn người đổ về. Người hành hương dùng nước sông Hằng để uống hoặc tắm, với quan niệm dòng chảy linh thiêng sẽ gột rửa mọi tội lỗi.

Tại bờ sông Hằng, người ta xây dựng các bậc thang lớn, lắp lưới cố định hoặc lan can để người dân có thể cúi xuống uống nước một cách an toàn. Các quầy lưu niệm ven sông bán bình nhựa dành cho những ai có nhu cầu mang nước về nhà. 

Khoảng 500.000 khách hành hương đổ về thành phố Rishikesh mỗi năm. Tuy nhiên, nhà máy nước thải của thành phố chỉ có thể phục vụ nhu cầu của 78.000 người. Chính phủ xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng, chỉ một cơn mưa nhỏ cũng có thể khiến nước thải chảy thẳng xuống dòng sông.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng thượng nguồn con sông, khu vực chưa bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, cũng chứa lượng lớn vi khuẩn kháng kháng sinh. 

Bé trai Ấn Độ tắm tại sông Hằng dù ôn nhiễm. Ảnh: New York Times
Bé trai Ấn Độ tắm trên sông Hằng. Ảnh: New York Times

Theo báo cáo năm 2017 của Bộ Khoa học Công nghệ Chính phủ, Ấn Độ là nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Các thử nghiệm gần đây cho thấy trong số 4 loại vi khuẩn được tìm thấy nhiều nhất tại các bệnh viện Ấn Độ, khoảng 70% thuộc nhóm kháng kháng sinh điển hình. 

Tiến sĩ Shaikh Ziauddin Ahammad, Viện Công nghệ Ấn Độ và Tiến sĩ David W. Graham, Đại học Newcastle, Anh cho biết, mức độ NDM-1 – gene kháng thuốc lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ cao hơn ngưỡng tiêu chuẩn 20 lần. 

Vi khuẩn được tìm thấy trong ruột của động vật, chất thải các khu công nghiệp và sinh vật sống trong nguồn nước sông Hằng. Khách hành hương uống nước sông, bị nhiễm bệnh và thường sử dụng kháng sinh ngay sau đó. Kháng sinh tiêu diệt các lợi khuẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi và kháng thuốc. Các thành phố như Varanasi, Haridwar, Allahabad… là khu vực có khả năng truyền nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh quy mô lớn. 

Bất chấp cảnh báo của các chuyên gia, người dân Ấn Độ dường như không lo ngại về sự ô nhiễm của nguồn nước sông Hằng.

Một người hành hương múc nước ở sông Hằng. Ảnh: New York Times
Một người hành hương múc nước ở sông Hằng. Ảnh: New York Times

“Nữ thần sông Hằng là mẹ của chúng tôi. Uống nước sông là số mệnh của chúng tôi. Nếu bạn có niềm tin, bạn an toàn”, Jairam Bhai, một chủ hàng ăn 65 tuổi đến hành hương nơi đây nói, trên tay vẫn cầm hai chiếc bình nhỏ chờ lấy nước. 

Trong khi đó, Jagdish Vaishnav, một giáo viên tiếng Anh 30 tuổi cho biết: “Chúng tôi không tin vào vi khuẩn, chúng tôi còn chẳng nghĩ về nó”. Jagdish từng tắm và uống nước sông tại thành phố Rishikesh, Haridwar và thậm chí là Varanasi, khu vực ô nhiễm nặng nề nhất.

Người Ấn Độ giáo có tục lệ hỏa táng thi thể người đã khuất và thả trôi trên sông. Tập tục này đã bị cấm vào năm 2017. Năm 2014, sau khi trở thành Thủ tướng, ông Narendra Modi đã cam kết sẽ nỗ lực giảm thiểu mức độ ô nhiễm cho dòng sông bằng các chính sách như xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải, di dời hơn 400 nhà máy thuộc da dẫn đến sự ô nhiễm. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện vẫn chưa được thực hiện.

Thục Linh (Theo New York Times) – Vnexpress