Sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam: Bộ Xây dựng nói gì?

Từ năm 2015, Việt Nam bắt đầu cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo Bộ Xây dựng, đây là việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của địa phương trong việc theo dõi, quản lý tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 79 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP).

Cụ thể, căn cứ quy định tại Điều 79 và Điều 85 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ và để thực hiện nghiên cứu, xây dựng Đề án về an ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, có nội dung đánh giá việc thực hiện chính sách sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài) báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các nội dung báo cáo sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn, trước và sau thời điểm Luật nhà ở 2014 có hiệu lực. Nội dung báo cáo thể hiện tổng số tổ chức, cá nhân đã mua và sở hữu nhà, địa điểm mua.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải đánh giá việc công bố các dự án không được phép, được phép bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc theo dõi, cập nhật đăng tải các thông tin về mua bán nhà của các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về Bộ Xây dựng trước ngày 15.3.2019 để tổng hợp.

Từ năm 2015, Việt Nam bắt đầu cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Từ năm 2015, Việt Nam bắt đầu cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào giữa tháng 12.2018, Báo cáo của CBRE Việt Nam đã công bố cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2018, trong số 5 nhóm khách hàng mua căn hộ tại TP.HCM qua đơn vị này, CBRE thống kê bên cạnh người Trung Quốc chiếm tỉ lệ lớn nhất với 31% tổng số giao dịch, tiếp đến là người Việt (24%), Hàn Quốc (19%), Hong Kong (10%) và Mỹ (3%).

Một số công ty phân phối nhà cho người nước ngoài cũng cho hay khách nước ngoài đa số nhắm tới phân khúc căn hộ hạng A và hạng sang để đầu tư. Bởi đây đều là các dự án ở khu vực trung tâm, có tiềm năng cho thuê và tăng giá.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn đặt câu hỏi và cho rằng số liệu của CBRE mang tính tham khảo, vì chỉ thể hiện khách mua của chính doanh nghiệp này và chưa cụ thể. Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết hiện không thể thống kê số liệu người nước ngoài mua nhà tại các dự án trên địa bàn TP vì không có quy định chủ đầu tư phải báo cáo thông tin khách hàng cho cơ quan quản lý.

Chỉ khi chủ đầu tư đi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho khách hàng mới có thể thống kê được. Việc cấp giấy chủ quyền do Văn phòng đăng ký đất đai thành phố thuộc Sở Tài nguyên – môi trường thành phố quản lý.

Theo Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, theo số liệu của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, số người Hàn Quốc, Nhật Bản đang mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn người Trung Quốc.

Lượng khách hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản mua nhà, đặc biệt tại các dự án hạng A tăng mạnh hơn. Đặc biệt người Hàn Quốc rất thích các dự án hạng A. Một số khách hàng đến từ châu Âu cũng có nhu cầu mua nhà để ở và làm việc tại Việt Nam.

Theo quy định của Luật đất đai, người nước ngoài chỉ có quyền sở hữu nhà ở dưới 2 hình thức đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ./.

Theo danviet.vn

Để lại một bình luận